MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngoại trưởng NATO họp bàn hỗ trợ Ukraina

Thanh Hà LDO | 01/12/2022 08:22

Các ngoại trưởng NATO tổ chức 2 ngày hội đàm từ 29.11 tại Bucharest, Romania. Trong chương trình làm việc, các đối tác NATO ​​thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraina, nhưng khó đạt được bất kỳ tiến triển có ý nghĩa nào trong cam kết 14 năm qua về việc cho Kiev gia nhập liên minh.

Chưa đồng thuận về kết nạp Ukraina

Bucharest chính là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2008, trong đó Ukraina và Gruzia được cam kết sẽ là thành viên của liên minh. Vào thời điểm đó, các nhà lãnh đạo nhất trí Ukraina và Gruzia sẽ trở thành thành viên NATO nhưng không đưa ra các bước cụ thể hoặc kế hoạch hành động thành viên. Tháng 9 năm nay, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã chính thức yêu cầu để liên minh thực hiện thỏa thuận đó.

Nhiều nguồn tin nắm rõ công tác chuẩn bị hội nghị cho hay, trong cuộc họp tuần này, NATO nhắc lại rằng, cánh cửa của khối vẫn mở nhưng hiện chưa phải là lúc để Ukraina gia nhập. Các đồng minh xem xét yêu cầu của Ukraina một cách thận trọng vì các cam kết phòng thủ tập thể của khối có thể kéo họ vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Theo một nhà ngoại giao cấp cao của Châu Âu, trước chiến sự Nga - Ukraina, một số đồng minh đang thúc đẩy tạo cho Kiev một con đường trực tiếp hơn để trở thành thành viên NATO nhưng không đạt được sự đồng thuận. Các nhà lãnh đạo của 9 quốc gia Đông Âu, bao gồm Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic và Romania, đã ký một tuyên bố chung sau đơn xin gia nhập NATO của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Lãnh đạo 9 quốc gia khẳng định kiên quyết ủng hộ quyết định tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest năm 2008.

Dù vậy, các thành viên nhất trí trọng tâm hiện tại nên là giúp Ukraina giành chiến thắng trong cuộc xung đột hiện nay. "Cách giúp đưa Ukraina trở thành thành viên là hợp tác với họ, cả trong quan hệ đối tác chính trị và hỗ trợ thiết thực" - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, hồi tuần trước khi được hỏi liệu khối có thể nhất trí về việc cho Ukraina gia nhập với một lộ trình cụ thể hơn hay không.

Hỗ trợ chuyển đổi quân sự

Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho hay, ngoài hỗ trợ ngắn hạn, NATO đang tìm cách tăng cường hợp tác lâu dài trong xây dựng và cải cách thể chế, và quan trọng là giúp chuyển đổi quân đội Ukraina từ những thiết bị thời Liên Xô sang các tiêu chuẩn, học thuyết và thiết bị của NATO. “Điều đó cũng sẽ tăng cường khả năng tương tác giữa Ukraina và NATO, đồng thời giúp Ukraina tiến tới hội nhập Châu Âu - Đại Tây Dương" - ông Stoltenberg nói.

Các đồng minh NATO cuối cùng có thể cam kết hỗ trợ để quân đội Ukraina tự bảo vệ mình trước bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai, nhưng các cuộc thảo luận có thể sẽ không được thống nhất trước khi các nhà lãnh đạo của khối tập trung tại thủ đô Vilnius của Litva vào mùa hè tới, nhà ngoại giao cấp cao của Châu Âu nhận định. 

Thay vào đó, tuần này, trọng tâm của NATO là hỗ trợ ngắn hạn cho Ukraina. Các bộ trưởng cũng thảo luận về khả năng phục hồi của các đồng minh NATO cũng như hỗ trợ cho các đối tác dễ bị tổn thương khác trong khu vực, như Gruzia và Moldova. Cuộc thảo luận về Trung Quốc cũng nằm trong chương trình nghị sự của NATO. Các bộ trưởng ngoại giao của G7 có cuộc gặp gỡ bên lề với một số đồng minh khác để thảo luận về an ninh năng lượng và lương thực cho Ukraina khi cơ sở hạ tầng điện và nước của nước này đang bị tấn công bằng tên lửa. 

“Sự hỗ trợ lớn nhất với chúng tôi hiện nay là hỗ trợ từ tổ hợp công nghiệp và quân sự của các nước NATO: Sản xuất đạn dược, chuyển giao hệ thống phòng không, dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp xe tăng, xe bọc thép và vũ khí tầm xa hiện đại" - ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cho chánh văn phòng của Tổng thống Ukraina, cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn