MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ nổ sao lùn trắng trong siêu tân tinh loại Ia. Ảnh: NASA/JPL-Caltech

Ngôi sao tháo chạy khỏi dải Ngân hà với tốc độ nhanh gấp 1.000 lần đạn bay

Thanh Hà LDO | 04/08/2021 21:00
Một ngôi sao đang bay khỏi dải Ngân hà với tốc độ 3,2 triệu km/h, nhanh hơn khoảng 1.000 lần đạn bay, sau khi sống sót trong một vụ nổ sao khổng lồ.

Thiên thể kim loại bất thường này có kích thước bằng 1/5 Mặt trời và cách Trái đất khoảng 2.000 năm ánh sáng.

Các chuyên gia tin rằng đây là một trong những dòng sao di chuyển nhanh hiếm hoi còn sót lại từ một siêu tân tinh. Đó là những mảnh còn lại của những ngôi sao lùn trắng khổng lồ đã tồn tại thành từng khối sau một vụ nổ vũ trụ khổng lồ.

Nghiên cứu do các nhà thiên văn Đại học Boston, Mỹ, dẫn dắt hi vọng việc phát hiện ngôi sao LP 40−365 sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về những ngôi sao có quá khứ hình thành khốc liệt tương tự.

“Ngôi sao này di chuyển nhanh đến mức gần như chắc chắn sẽ rời khỏi thiên hà. Ngôi sao di chuyển gần 3,2 triệu km/h" - giáo sư trợ lý về thiên văn học tại Đại học Boston cho biết.

Đồng nghiệp của ông - Odelia Putterman - nói thêm: "Trải qua quá trình phát nổ một phần mà vẫn sống sót là điều rất tuyệt vời và độc nhất vô nhị. Chỉ trong vài năm gần đây, chúng tôi mới bắt đầu nghĩ rằng loại sao này có thể tồn tại".

Hai nhà thiên văn học cùng các cộng sự đã phân tích dữ liệu từ kính viễn vọng không gian Hubble và Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh (TESS) của NASA. Qua đó, nhóm phát hiện ra rằng LP 40−365 không chỉ bị đẩy ra khỏi thiên hà mà đang quay vòng quanh cứ 9 giờ một lần trên đường thoát ra khỏi thiên hà.

Tất cả các ngôi sao đều quay - ngay cả Mặt trời cũng quay chậm trên trục của chính nó sau mỗi 27 ngày - nhưng với một mảnh sao sống sót sau một siêu tân tinh, 9 giờ được coi là tương đối chậm.

Việc tìm ra tốc độ quay của một ngôi sao như LP 40−365 sau một siêu tân tinh có thể cho biết manh mối về hệ thống 2 sao ban đầu mà ngôi sao này hình thành.

Dựa trên tốc độ quay tương đối chậm của LP 40−365, Hermes và Putterman tin rằng ngôi sao này là mảnh từ ngôi sao tự hủy trong hệ 2 sao sau khi bị ngôi sao còn lại cùng hệ thống cho nạp quá nhiều khối lượng.

Bởi 2 ngôi sao quay quanh nhau rất nhanh và gần nên vụ nổ đã phóng 2 ngôi sao đi và hiện chỉ có thể nhìn thấy LP 40–365.

"Đây là những ngôi sao rất kỳ lạ. Những ngôi sao như LP 40–365 không chỉ là một số ngôi sao nhanh nhất được các nhà thiên văn biết đến mà còn là những ngôi sao giàu kim loại nhất từng được phát hiện" - nhà thiên văn học Hermes nói.

Nghiên cứu về ngôi sao kỳ lạ di chuyển nhanh hơn tốc độ đạn bay 1.000 lần vừa được công bố trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn