MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản đang thúc đẩy liệu pháp tế bào gốc trong điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Ảnh chụp màn hình Medical Tourism Magazine

Ngọn hải đăng của hy vọng trong điều trị cho bệnh nhân đột quỵ

Thanh Hà LDO | 29/12/2023 17:58

Liệu pháp tế bào gốc đã trở thành ngọn hải đăng của hy vọng trong lĩnh vực y học tái tạo, hứa hẹn mang đến những phương pháp điều trị mang tính cách mạng cho nhiều loại bệnh, trong đó có đột quỵ, theo Medical Tourism Magazine.

Với dân số già hóa nhanh chóng, Nhật Bản đối mặt với thách thức lớn về sức khỏe cộng đồng do đột quỵ. Khoảng 1 triệu người ở Nhật Bản sống chung với hậu quả của đột quỵ, khiến các chiến lược điều trị và phục hồi chức năng hiệu quả trở thành ưu tiên chăm sóc sức khỏe.

Các nhà khoa học và tổ chức ở Nhật Bản đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị đột quỵ, trong đó liệu pháp tế bào gốc là lĩnh vực trọng tâm.

Medical Tourism Magazine cho hay, Nhật Bản có những bước tiến đáng kể trong nghiên cứu tế bào gốc để phục hồi sau đột quỵ.

Đáng chú ý, khung pháp lý chặt chẽ và các chính sách hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này. Luật Y học tái tạo của Nhật Bản, được thông qua năm 2014, đã đẩy nhanh quá trình phê duyệt các liệu pháp tái tạo, cung cấp môi trường thuận lợi cho nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng tế bào gốc.

Một ví dụ về những tiến bộ của Nhật Bản là thử nghiệm lâm sàng của Đại học Kyoto trong sử dụng tế bào gốc iPSC cho liệu pháp điều trị đột quỵ.

Nghiên cứu này đánh dấu lần đầu tiên iPSC được sử dụng trong điều trị đột quỵ, cho thấy vai trò hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực y tế đổi mới sáng tạo này.

Khung pháp lý độc nhất của Nhật Bản, do Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị Y tế (PMDA) quản lý, khuyến khích phê duyệt nhanh chóng các liệu pháp y học tái tạo dựa trên độ an toàn và lợi ích tiềm năng, ngay cả trước khi hiệu quả được chứng minh đầy đủ.

Cách tiếp cận độc đáo này, cùng với Luật Y học tái tạo, đã giúp Nhật Bản trở thành môi trường thuận lợi cho nghiên cứu và phát triển liệu pháp tế bào gốc.

Điều quan trọng cần lưu ý là dù cách tiếp cận quy định của Nhật Bản nhanh hơn nhưng nó không ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn an toàn.

Tất cả các phương pháp điều trị bằng tế bào gốc đều phải trải qua quá trình kiểm tra an toàn nghiêm ngặt trước khi được phê duyệt, đảm bảo sức khỏe của bệnh nhân.

Tại Canada, hơn 400.000 người đang phải sống chung với những ảnh hưởng của đột quỵ. Canada đã có những bước tiến đáng chú ý trong nghiên cứu tế bào gốc, đặc biệt là trong lĩnh vực phục hồi sau đột quỵ. Tiến bộ này đạt được nhờ cơ sở hạ tầng nghiên cứu y sinh mạnh mẽ, các trường đại học hàng đầu và các viện nghiên cứu chuyên môn của Canada.

Một ví dụ đáng chú ý là nghiên cứu mang tính đột phá do Viện Nghiên cứu Bệnh viện Ottawa (OHRI) thực hiện, chứng minh rằng tế bào gốc lấy từ da của bệnh nhân có thể sửa chữa tổn thương não do đột quỵ gây ra. Đột phá này được ca ngợi là bước tiến đáng kể trong lĩnh vực trị liệu tế bào gốc để phục hồi sau đột quỵ, cũng theo Medical Tourism Magazine.

Bên cạnh đó, Đại học Toronto và Mạng lưới Y tế Đại học (UHN) ở Canada cũng đang có những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực này. Ví dụ, Viện nghiên cứu Krembil của UHN đang nghiên cứu nâng cao về ứng dụng điều trị của tế bào gốc trong các bệnh thoái hóa thần kinh, bao gồm cả đột quỵ.

Môi trường pháp lý của Canada đảm bảo rằng mọi phương pháp điều trị bằng tế bào gốc đều đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và hiệu quả.

Cho đến nay, liệu pháp tế bào gốc để phục hồi sau đột quỵ vẫn được coi là thử nghiệm và chưa được Bộ Y tế Canada chấp thuận cho sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đang triển khai khắp đất nước, mang lại hy vọng cho tương lai.

Ở Canada, giống như nhiều nơi khác, cách chính để tiếp cận liệu pháp tế bào gốc để phục hồi sau đột quỵ là thông qua việc tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng. Những thử nghiệm này do nhiều tổ chức nghiên cứu khác nhau thực hiện, thường được đăng ký trên cơ sở dữ liệu toàn cầu như ClinicTrials.gov.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn