MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas thừa nhận EU cạn kiệt biện pháp trừng phạt Nga. Ảnh: Getty

Người dân EU thấm mệt vì hậu quả trừng phạt Nga?

Song Minh LDO | 10/10/2022 13:00
Sự nhiệt tình của EU đối với các lệnh trừng phạt Nga được cho là đã suy giảm bởi người dân EU mệt mỏi vì phải gánh chịu hậu quả của chính các biện pháp này.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói với tờ Telegraph của Anh rằng sự thống nhất về các biện pháp trừng phạt Nga đang bị lung lay trong EU bởi Liên minh Châu Âu đã cạn kiệt mục tiêu cho cuộc chiến kinh tế của mình.

Thủ tướng Estonia thừa nhận: "Việc đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga ngày càng trở nên khó khăn hơn, bởi không còn nhiều yếu tố mà chúng tôi có thể trừng phạt. Đó mới là vấn đề”.

Bà Kallas cũng đổ lỗi cho "sự mệt mỏi của chiến tranh" và "các vấn đề trong nước đang gia tăng" là nguyên nhân khiến người Châu Âu giảm quan tâm đến việc trừng phạt Nga.

Mỹ và EU đã nhắm vào nền kinh tế Nga bằng các biện pháp trừng phạt kể từ khi Mátxcơva bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2. Nhưng trong khi các gói trừng phạt ban đầu được nhất trí thông qua, thì các hạn chế đối với việc mua dầu và khí đốt của Nga là vấn đề khó thống nhất trong các thành viên EU ở những gói trừng phạt sau này, do Mátxcơva đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dầu khí cho Châu Âu.

Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt bất kể thiệt hại đối với các nền kinh tế và công dân EU đã khiến khối này phải gánh chịu những hóa đơn năng lượng cao vọt và lạm phát phi mã. Thủ tướng Kallas trấn an rằng "đa số mọi người hiểu lạm phát giống như thuế chiến tranh", "chúng tôi trả khoản này bằng đồng euro trong khi người Ukraina đang phải trả bằng mạng người".

Mặc dù vậy, các cuộc biểu tình phản đối chi phí sinh hoạt tăng cao dự kiến gia tăng khi mùa đông đến gần. Các nhà phê bình cho rằng một cuộc xung đột ủy nhiệm của NATO đã phát sinh ở Áo, Italia, Pháp và Cộng hòa Czech.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban kịch liệt lên án “sự tự gây tổn hại về kinh tế” do các lệnh trừng phạt năng lượng gây ra, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao về quan hệ quốc tế Zoltan Kovacs ví các biện pháp này giống như “thả một quả bom nguyên tử xuống nền kinh tế Hungary và cả nền kinh tế Châu Âu”.

Hungary được miễn trừ đối với giới hạn giá dầu khí được đưa ra cùng gói trừng phạt mới nhất vì nước này nhận khí đốt qua đường ống chứ không phải bằng đường biển, mặc dù nhiều quốc gia EU không còn nhận được khí đốt Nga sau vụ phá hoại Nord Stream 1 và Nord Stream 2.

Trong số các quốc gia EU, Estonia có mức tăng giá năng lượng mạnh nhất vào tháng 7 so với năm trước. Tuy nhiên, điều này đã không làm giảm sự nhiệt tình của giới tinh hoa Estonia đối với cuộc xung đột ở Ukraina. Tính đến tháng 8, Tallinn đã gửi thiết bị quân sự đến Kiev theo tỷ lệ GDP trên đầu người nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, lên tới 250 triệu euro (243 triệu USD) cho Kiev. Ngày 7.10, Thủ tướng Estonia kêu gọi các quốc gia giàu có hỗ trợ thêm cho Ukraina.

Kể từ đầu năm 2022, Kiev đã nhận được hơn 80 tỉ euro (78 tỉ USD) cam kết viện trợ nước ngoài, theo Statista.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn