MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân Italia vui vẻ, lạc quan và sáng tạo ứng phó với cuộc sống "buồn tẻ" khi phong tỏa toàn đất nước vì đại dịch COVID-19. Ảnh: AP

Người dân Italia sáng tạo, học cách ứng phó với đại dịch COVID-19

HỒNG HẠNH LDO | 17/03/2020 07:05
Sau khi chính phủ Italia quyết định phong tỏa toàn bộ đất nước vì đại dịch COVID-19, người dân Italia đã sáng tạo học cách sống vui tươi trong thời gian cách ly.

Tại Verona, phía bắc Italia, giảng viên và dịch giả Mark Newman chia sẻ không có cảm giác sợ hãi ngay cả khi đường phố Italia sở nên hiu quạnh vì bị phong tỏa do đại dịch COVID-19. "Tôi không có cảm giác hoảng loạn gì cả", tờ The Age dẫn lời ông.

Ông cố gắng chia sẻ những câu chuyện hài hước lên Whatsapp để cố gắng kết nối mọi người lại với nhau. Nhiều người đã để lại bình luận tích cực như: "Rồi mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi".

Khi quốc gia này bắt đầu tiến hành phong toả, dường như cờ Italia được treo trên tất cả cửa sổ hoặc sân thượng. Sự sáng tạo như vậy là cách người dân Italia ứng phó với đại dịch COVID-19 - cách ly tại nhà -  để ngăn ngừa sự lây lan của virus.

Ở kinh đô thời trang Milan, Paola Meztli Salas Pallares (32 tuổi) đến Milan để theo đuổi sự nghiệp thiết kế đồ họa. 

Tại đây, cô đã nghĩ ra ý tưởng về buổi gặp mặt "ảo" - nói chuyện với nhau qua video, cùng thưởng thức một ly vang hoặc một chai bia.

"Sau buổi đầu tiên, tôi cảm thấy vui vẻ và đỡ buồn tẻ", cô chia sẻ. "Bây giờ tôi làm quen được với nhiều bạn bè hơn, họ cùng chung cảnh ngộ cách ly tại nhà giống như tôi". Cô tâm sự thêm rằng cô đang mong chờ nhiều hơn những cuộc hẹn "ảo" như này trong suốt thời gian Italia phong tỏa.

Sự đoàn kết của người dân Italia còn được thể hiện qua các cuộc hẹn hò tập thể trên ban công, cửa sổ, sân vườn và công viên. Họ cùng nhau hát hò, chơi các loại nhạc cụ, đi dạo, chạy bộ và đi xe đạp cùng nhau.

Theo quyết định của chính phủ, người dân nước này vẫn được phép đi dạo, chạy hoặc đi xe đạp trong công viên, nhưng phải giữ khoảng cách an toàn với nhau là 1 mét.

Ngoài ra, người dân Italia còn nhận được sự khích lệ đến từ Giáo hoàng Francis khi ông đến thăm 2 nhà thờ ở Rome để cầu nguyện chấm dứt đại dịch COVID-19.

Người phát ngôn của Vatican - Matteo Bruni - cho biết, nhà thờ đầu tiên mà Giáo hoàng đến là Nhà thờ lớn Mary, gần ga tàu trung tâm của Rome vào ngày 15.3.

Sau đó, Giáo hoàng đi dọc theo con đường trung tâm Rome để thăm một nhà thờ khác. Nhà thờ thứ hai có một cây thánh giá từ năm 1522, xuất hiện trong một đám rước để chấm dứt dịch bệnh gây đau khổ cho Rome trong lịch sử.

Hơn 24.700 người Italia đã được chẩn đoán mắc bệnh và hơn 1.800 người đã tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đại đa số bệnh nhân phải điều trị COVID-19 trong vòng vài tuần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn