MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mauro Morandi - người đàn ông Italia sống 31 năm cô độc trên hoang đảo. Ảnh: CNN

Người đàn ông sống 31 năm cô độc giữa hoang đảo

Hồng Hạnh LDO | 01/04/2020 18:36

Hàng triệu người trên khắp thế giới đang cách ly để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, nhưng có một người đàn ông đã tự nguyện lựa chọn trải qua hơn 3 thập kỷ cô độc giữa hoang đảo.

Vào năm 1989, động cơ thuyền của ông Mauro Morandi bị hỏng và ông phải neo đậu trên bãi biển của đảo Budelli, Italia. Tại đây, ông biết tin người chăm sóc đảo đang nghỉ hưu, vì vậy, ông đã bán chiếc thuyền của mình để mua lại lãnh địa này làm vương quốc cho riêng mình. 31 năm trôi đi, ông Morandi vẫn là cư dân và người bảo vệ duy nhất trên hòn đảo này.

Công viên quốc gia Maddalena Archipelago bao gồm 7 hòn đảo. Budelli được coi là đẹp nhất trong số đó với bãi biển hồng Spiaggia Rosa. Bờ cát màu hồng được tạo nên từ những rặng san hô, mảnh san hô, vỏ sò và vỏ ốc do từng đợt sóng đánh trôi dạt vào.

Đầu những năm 1990, bãi biển hồng Spiaggia Rosa được chính phủ Italia xếp hạng là nơi có giá trị thiên nhiên cao. Nơi đây phải đóng cửa để bảo vệ hệ sinh thái dễ tổn thương, chỉ có một số khu vực được phép mở cửa phục vụ khách du lịch. Hòn đảo từ hàng ngàn khách tham quan mỗi ngày nay chỉ còn một người.

Năm 2016, sau cuộc chiến pháp lý kéo dài 3 năm giữa một doanh nhân New Zealand và chính phủ Italia về quyền sở hữu đất đai, tòa án phán quyết Budelli thuộc về Vườn quốc gia Quần đảo Maddalena, Italia. Cùng năm đó, việc ông Morandi sống trên đảo cũng gặp những thách thức và khó khăn.

“Tôi sẽ không bao giờ rời hòn đảo này mà đi. Tôi hy vọng được chết và hỏa táng ở đây” - CNN dẫn lời ông Morandi. Ông tin tất cả sự sống cuối cùng đều được đoàn tụ với trái đất, “chúng ta đều là một phần của cùng một năng lượng”.

“Tôi không phải là một nhà thực vật học hay sinh học”, ông Morandi chia sẻ. “Có, tôi biết tên của thực vật và động vật, nhưng công việc của tôi không giống vậy. Tôi chăm sóc một cái cây bằng trách nhiệm. Tôi cố gắng để mọi người hiểu tại sao các loài thực vật cần phải sống”.

Ông nói, dạy mọi người cách nhìn cái đẹp sẽ cứu thế giới khỏi sự bóc lột. “Tôi mong mọi người hiểu rằng chúng ta cần cố gắng để không chỉ nhìn vào cái đẹp mà phải cảm nhận nó với đôi mắt nhắm nghiền” - ông Morandi chia sẻ.

Mùa đông trên đảo Budelli vừa đẹp vừa cô đơn. Ông Morandi từng không giao tiếp với con người trong 20 ngày liên tiếp. Ông tìm thấy niềm an ủi từ chính nội tâm và thường ngồi trên bãi biển lắng nghe tiếng gió, tiếng sóng phá vỡ không gian lặng như tờ.

“Nơi đây giống như một nhà tù, nhưng là nhà tù mà tôi đã chọn cho mình” - người đàn ông 81 tuổi chia sẻ.

Để vượt qua những khoảng thời gian buồn tẻ, ông Morandi đã biến những cây gỗ bách xù thành các tác phẩm điêu khắc, làm nổi lên những khuôn mặt ẩn sâu trong chúng. Ngoài ra, ông còn đọc sách và suy ngẫm về sự thông thái của các triết gia và thần đồng văn học Hy Lạp. Ông chụp hòn đảo từng giờ, từng ngày, từ mùa này sang mùa khác và ngạc nhiên về sự chuyển mình của nó.

Điều này không phải là sự bất thường đối với những người dành nhiều thời gian dài một mình. Theo National Geographic, các nhà khoa học từ lâu đã khẳng định, sự cô độc tạo ra sự sáng tạo, minh chứng là các thế hệ nghệ sĩ, nhà thơ và nhà triết học đã làm nên các tác phẩm vĩ đại nhất của họ trong sự ẩn dật từ xã hội.

Tuy nhiên, chính sự đơn độc cũng có thể khiến mọi người căng thẳng trong xã hội công nghệ tiên tiến hiện nay. Nhiều năm trôi qua, khi sóng wifi bắt đầu có trên hòn đảo, ông nhận ra mình không thể ích kỷ hơn nữa. Ông bắt đầu chia sẻ thiên đường yêu dấu của mình với cả thế giới thông qua phương tiện truyền thông xã hội.

“Tình yêu là một hệ quả tuyệt đối của cái đẹp và ngược lại”, người đàn ông “chúa đảo” chia sẻ. “Khi bạn yêu một người sâu sắc, bạn thấy người đó thật đẹp, bởi vì bạn đã trở thành một phần của người ấy và người ấy trở thành một phần của bạn. Cũng tương tự như tình yêu mà tôi dành cho thiên nhiên vậy”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn