MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Robert Mugabe và phu nhân Grace Mugabe. Ảnh: Reuters

Người kế nhiệm - bản chất của cuộc chính biến ở Zimbabwe

Khánh Minh LDO | 16/11/2017 10:00
Cuộc đấu đá để giành quyền kế nhiệm vị tổng thống tuổi cao sức yếu Robert Mugabe là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến cuộc chính biến ở Zimbabwe.

Dù đã lớn tuổi và yếu sức, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã được đảng cầm quyền ZANU-PF đưa ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ trong cuộc bầu cử năm 2018. Trong hậu trường, cuộc đấu đá để giành quyền kế vị đã diễn ra quyết liệt từ nhiều tháng qua.

Đấu đá để giành quyền kế vị 

Emmerson Mnangagwa, 75 tuổi, cựu giám đốc tình báo đáng gờm, được coi như người kế vị tự nhiên từ khi được thăng làm Phó Tổng thống Zimbabwe năm 2014. Tuy vậy tham vọng của ông đã bị chặn đứng bởi đệ nhất phu nhân Grace Mugabe, 52 tuổi, vợ thứ nhì của tổng thống, nổi tiếng là hay nổi cơn lôi đình và mê hàng hiệu. Tuần trước, ông Mnangagwa đã bị cách chức sau khi so kè với bà Grace và phải đi lưu vong.

Ông Mnangagwa, một trong những thủ lĩnh của cuộc chiến giành độc lập cho Zimbabwe, có được sự ủng hộ của giới quân nhân. Lần đầu tiên thách thức quyền lực tổng thống, Tổng tham mưu trưởng quân đội Constantino Chiwenga hôm 13.11 cực lực phản đối việc cách chức ông Mnangagwa và cảnh báo rằng quân đội có thể "can thiệp" nếu vụ "thanh trừng" trong đảng ZANU-PF không dừng lại.

Bà Grace Mugabe, lãnh đạo Liên đoàn Phụ nữ đầy quyền lực của ZANU-PF, có thể dựa vào một nhóm nhà hoạt động trẻ của đảng được mệnh danh là "Thế hệ 40" hay "G40", vẫn chưa phát biểu gì về cuộc khủng hoảng hiện nay.

Phản ứng quốc tế

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, một người ủng hộ nhiệt thành đồng nhiệm Zimbabwe, hôm 15.11 tuyên bố tất cả các thay đổi chế độ "không theo Hiến pháp" ở nước láng giềng. "Rất quan ngại" về tình hình, ông Zuma gửi hai đặc phái viên đến gặp Tổng thống Mugabe và quân đội.

Đại sứ quán Mỹ tại Zimbabwe khuyến cáo các công dân Mỹ nên ở trong nhà vì "những bất định về chính trị".

Anh, vốn là cường quốc thực dân cũ, đề nghị công dân Anh "tránh mọi hoạt động chính trị", nhắc nhở rằng "chính quyền đôi khi sử dụng vũ lực để đàn áp biểu tình" trong quá khứ.

Paris kêu gọi tôn trọng Hiến pháp, cho biết "đang quan tâm theo dõi các diễn biến tại Zimbabwe". Liên minh Châu Âu cũng đề nghị "đối thoại" để có được một "giải pháp hòa bình".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn