MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 2 từ trái sang) sau khi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử EP tại Le Touquet, Pháp ngày 9.6.2024. Ảnh: Xinhua

Người thắng kẻ thua trong bầu cử Nghị viện châu Âu

Khánh Minh LDO | 11/06/2024 10:00

Mặc dù các đảng cực hữu giành kết quả khả quan nhưng cũng không lật đổ được đa số phe trung dung trong Nghị viện châu Âu (EP) khi kết quả sơ bộ bầu cử EP được công bố vào tối 9.6, giúp bà Ursula von der Leyen có thể tiếp tục giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho đến năm 2029.

Trang DW đưa tin, theo kết quả sơ bộ từ tất cả 27 quốc gia EU, đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu của bà von der Leyen đã giành được 191 trong số 720 ghế của EP nhiệm kỳ 2024-2029. Ở vị trí thứ hai là liên minh Xã hội và Dân chủ (S&D) trung tả với 135 ghế, tiếp theo là đảng Đổi mới châu Âu (RE) có 83 ghế.

“Chúng tôi sẽ xây dựng một pháo đài chống lại các thái cực từ cánh tả và cánh hữu” - bà von der Leyen nói với những người ủng hộ EPP tại một sự kiện riêng vào sáng sớm 10.6.

Sau nhiều tuần đồn đoán về một chiến thắng vang dội của phe cực hữu, một loạt kết quả đáng kinh ngạc của Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) ở Pháp, Đảng Tự do Áo (FPÖ) và Đảng Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) đã không tạo được đột phá rung chuyển trong bầu cử EP. Nhưng với việc có nhiều thành viên cực hữu ngồi trong EP hơn bao giờ hết, tiếng nói của họ sẽ được chú ý trong tương lai.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 9.6 tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử lập pháp sớm sau khi đảng RN theo đường lối cực hữu đánh bại liên minh ôn hòa. Đảng Phục hưng của ông Macron chỉ giành được 15% phiếu bầu, so với khoảng 32% số phiếu của đảng RN. Thắng lợi của RN đã gây chấn động trong chính trường Pháp và châu Âu mặc dù các cuộc thăm dò ý kiến dư luận trước bầu cử đã dự báo trước điều này.

Nhà lãnh đạo phe cực hữu Pháp Marine Le Pen hoan nghênh lời kêu gọi tổ chức bầu cử sớm từ Tổng thống Macron. Bà nói: “Chúng tôi sẵn sàng biến đổi đất nước, bảo vệ lợi ích của người Pháp, ngăn chặn tình trạng nhập cư ồ ạt”.

Bà Le Pen dự kiến ​​​​sẽ tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2027, mặc dù thành viên 28 tuổi của EP Jordan Bardella hiện đang lãnh đạo đảng RN.

Ở Đức, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz hứng chịu thất bại nặng trong bầu cử EP. Theo kết quả sơ bộ, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz giành được 13,9% tổng số phiếu bầu, giảm so với kết quả 15,8% năm 2019 và là kết quả tồi tệ nhất của đảng này trong nhiều thập kỷ. Phe đối lập chính trung hữu, Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) chiếm vị trí đầu tiên với khoảng 30% phiếu bầu. Đảng cực hữu AfD, vốn nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn trong những cuộc thăm dò dư luận kể từ năm ngoái, đứng thứ 2 với 15,9%. Đảng Xanh, cũng là thành viên của chính phủ liên bang, cũng hứng chịu thất bại tồi tệ khi chỉ giành được 11,9% phiếu bầu, giảm mạnh so với kỷ lục 20,5% trong kỳ bầu cử EP năm 2019.

Đảng Nhân dân trung hữu (PP) của Tây Ban Nha dẫn đầu trong bầu cử EP, giành được 22/61 ghế được phân bổ cho nước này, đồng thời giáng đòn mạnh vào chính phủ do đảng Xã hội Tây Ban Nha của Thủ tướng Pedro Sanchez dẫn dắt.

Trong khi đó, ở khu vực Bắc Âu, các đảng cánh tả và đảng Xanh giành được lợi thế, trong khi sự ủng hộ dành cho các đảng cực hữu ở khu vực này giảm dần.

Mặc dù kết quả ở các nước có sự khác biệt, song tựu trung, các đảng truyền thống tiếp tục giữ đa số trong EP nhiệm kỳ 2024-2029. Trong những tuần tới, các nhóm nghị viện sẽ được thành lập và bầu ra chủ tịch, phó chủ tịch.

Phiên họp toàn thể của EP khóa 10 sẽ được tổ chức tại Strasbourg (Pháp) từ ngày 16-19.7, với một trong những nhiệm vụ đầu tiên là tiến hành bầu chọn Chủ tịch EP mới. Dự kiến ngày 18.7, các đại biểu cũng sẽ quyết định người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn