MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các lễ vật cúng ông Công ông Táo của người Trung Quốc, trong đó có nian gao (trái) là bánh ngọt làm bằng bột nếp. Ảnh: The Star

Người Trung Quốc cúng ông Công ông Táo thế nào?

Song Minh LDO | 15/01/2020 14:16
Đa phần người Trung Quốc vẫn giữ phong tục cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mặc dù nhiều gia đình hiện đại đã bỏ tục lệ này.

Người Trung Quốc bắt đầu phong tục tiễn ông Công ông Táo về trời từ thời Khổng Tử (năm 551 đến năm 479 trước công nguyên). Ông Táo trong tín ngưỡng Trung Hoa được xem là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà. 

Trong lịch sử Trung Quốc, từ thời Tiên Tần đến thời Minh Thanh, việc cúng tế thần Táo quân được coi là một lễ tế quan trọng của triều đình phong kiến. Các thư tịch cổ của Trung Quốc có nhiều ghi chép về phong tục tế thần Táo quân.

Tiễn ông Công ông Táo về trời trong ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Ảnh: The Star

Theo truyền thuyết, hàng năm vào ngày 23 tháng 12 âm lịch, Táo quân lên thiên đình báo cáo với ngọc hoàng về gia chủ trong 1 năm đã qua. Dựa trên báo cáo này, ngọc hoàng sẽ kéo dài hoặc rút ngắn cuộc sống của gia chủ.

Cũng có tích ở Trung Quốc cho rằng trước kia mỗi tháng thần bếp lên trời một lần vào ngày cuối tháng âm lịch để báo cáo về từng người trong mỗi gia đình, nhưng sau này Táo quân chỉ lên trời một lần vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp.

Người Trung Quốc chọn đồ trang trí nhà cửa đón Tết. Ảnh: Tân hoa xã

Theo truyền thống, văn hóa thờ cúng Táo quân luôn được duy trì trong mỗi gia đình trừ khi họ chuyển đến nhà mới. Sau đó, nếu gia chủ quyết định không thờ thần bếp nữa, họ sẽ làm lễ tiễn thần bếp đi. Tuy nhiên, hiếm khi một gia đình Trung Quốc ngừng phong tục này nếu như tổ tiên họ luôn thờ ông Công ông Táo.

Vào ngày tiễn ông Công ông Táo, người Trung Quốc sẽ dọn dẹp nhà cửa để xua đuổi xui xẻo. Quét dọn và vứt bỏ những thứ không còn cần thiết là cách để nói lời tạm biệt với năm cũ. Người Trung Quốc tin rằng việc quét dọn trong những ngày đầu tiên của năm mới có thể ngăn cản vận may.

Bánh tượng trưng cho may mắn trong năm mới. Ảnh: The Star

Cũng trong ngày 23 tháng Chạp, người Trung Quốc sẽ bày bàn thờ gần bếp, cúng Táo quân bằng thịt, cá, rượu nếp, bánh kẹo, đặc biệt là kẹo mạch nha, để Táo quân nói những lời “ngọt ngào” với ngọc hoàng, báo cáo những điều tốt đẹp về gia chủ và mang lại những điều tốt lành cho gia chủ trong năm mới. Ngoài ra còn có nước và cỏ khô cho ngựa của Táo quân “ăn” để bay và chở ông lên trời.

Tuy nhiên, theo tờ The Star, nhiều gia đình Trung Quốc hiện đại đã bỏ tục thờ thần bếp khi chuyển đến nhà mới vì họ thấy phiền phức. Một số khác lại không thích hương khói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn