MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CLB nhiếp ảnh Fukuoka trao phần tiền quyên góp cho Phượng.

Người Việt mình ở Nhật

Thạch Long LDO | 01/09/2020 19:11
Càng đi, càng khám phá, càng giao lưu, tôi càng nhận ra người Việt ở Nhật Bản giỏi quá, tình cảm quá. Có lẽ, việc phải căng mình tồn tại ở đây đã giúp người Việt nhận hai thứ giá trị cơ bản. Đó là tình đồng hương và tài năng của người Việt.

1.

Vào cuối tháng 5 vừa qua, cộng đồng người Việt ở thành phố Fukuoka xôn xao truyền nhau thông tin: Vừa có một người Việt dương tính với virus SARS-CoV-2. Không để sự nghi kỵ lẫn nhau kéo dài thêm, một nick Facebook tên là N.T đăng bài lên cộng đồng Việt Nam tại Fukuoka tự nhận mình chính là "nạn nhân đen đủi của con virus khủng khiếp".

Đoạn status với câu văn lủng củng, đầy lỗi chính tả của chàng trai N.T đến từ Hà Tĩnh được tóm gọn vài ý chính như sau: T đã dương tính với virus SARS-CoV-2 và lo ngại sẽ lây cho cả nhà gồm vợ và 2 cô con gái. Do thủ tục xét nghiệm SARS-CoV-2 ở Nhật tương đối lằng nhằng nên T tự cách ly bản thân, đồng thời kêu gọi một đồng hương tốt bụng nào đó sẽ trông giúp cô con gái mới 2 tháng tuổi của mình.

Nhưng T không ngờ được rằng, sự giúp đỡ mình nhận được sau đó còn vượt xa cả mong đợi. Cô con gái 2 tháng tuổi của T được một nhóm bạn thay nhau chăm sóc trong thời gian T điều trị bệnh, còn vợ và con lớn được cách ly tại nhà. Do T là lao động chính trong gia đình (cậu làm nhân viên trong một tiệm cắt tóc ở Nhật) nên việc cậu nằm viện khiến kinh tế gia đình T lao đao.

Một cuộc vận động quyên góp nhanh chóng thu hút được vô số tấm lòng hảo tâm. Gọi là mạnh thường quân thì chẳng phải, bởi có những người chỉ đóng góp được 1kg gạo, người tặng chút thịt gà, người không có cả gạo lẫn gà thì chủ động qua lại nhà T rửa hộ chút bát, quét hộ cái nhà.

Buổi lễ thi Miss người Việt ở Fukuoka.

Cái sự tự phát một cách rất Việt Nam đó không phải là lần đầu tiên. Vào mùa hè năm 2019, sau khi nghe tin Phượng - một thực tập sinh ở Fukuoka - đang phải nằm viện điều trị bệnh máu trắng, một nhóm các bạn trẻ dưới danh nghĩa “Câu lạc bộ nhiếp ảnh Fukuoka” đã trích một phần thu nhập nhỏ bé của mình để giúp đỡ Phượng.

Số tiền Phượng nhận được chỉ là 10 triệu đồng (50.000 yên), quá nhỏ bé so với chi phí nằm viện cực kỳ đắt đỏ ở Nhật Bản (một ca tiểu phẫu cắt ruột thừa ở Nhật đã tốn đến 120 triệu đồng), nhưng điều Phượng nhận được đó là tình cảm của những người đồng hương.

Câu chuyện của Phượng giúp tôi biết tới sự tồn tại của một nhóm khá đông bạn trẻ Việt ở Fukuoka có chung đam mê nhiếp ảnh. Họ lập ra “Câu lạc bộ nhiếp ảnh Fukuoka” và duy trì lịch sinh hoạt khá thường xuyên. 

Ngoài rủ nhau đi phượt bằng… xe đạp, cắm trại trên núi, dựng lều ngoài biển ngắm sao, các bạn trẻ đến từ nhiều miền Tổ quốc còn tình nguyện phục vụ cho các hoạt động cộng đồng. Vào tháng 1 vừa qua, Hội người Việt Fukuoka kết hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố này linh đình tổ chức chương trình “Tết Việt” với quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản. Hội nhiếp ảnh Fukuoka chính là những tình nguyện viên đã chụp ảnh và quay phim toàn bộ chương trình.

2.

Cho đến khi lễ hội bắt đầu tôi mới thật sự "sốc" khi biết, ngoài hội nhiếp ảnh, Fukuoka còn có vô số những hội nhóm cùng chia sẻ đam mê như: CLB hip hop, Hội đam mê ca hát, Hội thích trượt ván, Hội câu cá… 

Nhờ sự lớn mạnh của những hội người Việt ở Nhật mà dấu ấn Việt Nam trên đất Nhật giờ đây không chỉ được tạo ra bởi người Việt, mà còn đến chính từ người Nhật. Ở Tokyo hiện tại, có tới 7 tiệm bán bánh mì Việt Nam nhưng lại do người Nhật mở. Nhưng thú vị nhất phải kể tới sự xuất hiện và gây bão của một thương hiệu trà sữa mang tên Một Trăm. 

Lang thang ở khu Tenjin, Fukuoka, tôi chợt nhận ra rất nhiều cô gái Nhật đang cầm trên tay một ly trà sữa rõ ràng là có ký tự tiếng Việt trên đó. Không phải Gong Cha, không phải The Alley. Đó là một từ tiếng Việt. Sau một hồi lưỡng lự, rốt cuộc tôi cũng quyết định thử hỏi xem sao.

Quán Cơm Dĩa - quán ăn Việt Nam nhận được 1 ngôi sao Michellin ở Beppu.

Dù gặp khó khăn trong việc phát âm từ “Một Trăm” (Motcham) nhưng chủ nhân của ly trà sữa độc đáo đó cũng thành công chỉ cho tôi vị trí của quán. Quán tên là “Một Trăm”, được viết theo tiếng Việt thay vì phiên âm ra tiếng Nhật, nhưng menu của quán thì toàn những ly trà sữa mang tên Nhật Bản.

Nhìn hàng người đang xếp kéo dài cả chục mét, tôi biết rằng cơ hội để được hỏi ngọn ngành tên quán là rất khó. Nhưng may mắn thay, quán bán hết sạch hàng khi đồng hồ mới điểm 5h chiều. Trong lúc nhân viên thu dọn quán, tôi mới biết Một Trăm ở đây có nghĩa là 100% nguyên liệu được nhập từ Việt Nam. Quán thuộc về Nhật 100%. Menu của Nhật, nhân viên người Nhật và chẳng ai trong số họ có thể đọc đúng tên quán. Vì đơn giản nó là tiếng Việt.

Thương hiệu trà sữa mang cái tên Việt Nam đang gây sốt trên đất Nhật.

Một dịp khác, trong lúc khám phá thành phố Beppu - nơi có nhiều suối nước nóng thứ nhì thế giới - tôi tình cờ nhìn thấy một hàng rất dài đang xếp trước một quán ăn. Và lại là một quán với tên tiếng Việt: Quán Cơm Dĩa. 

Dựa vào vị trí trên Google map, tôi bấm vào link dẫn tới quán ăn. Hóa ra, đây là một quán thuần Việt, do một du học sinh mở ra. Nhưng điều đặc biệt nhất là quán ăn được trịnh trọng gắn một 1 sao Michelin. Đó là lý do nó thu hút cực kỳ đông người Nhật tới thưởng thức. Thêm một chi tiết gửi tới các bạn: Nhật Bản là quốc gia có số lượng quán ăn đạt 3 sao Michelin nhiều nhất thế giới. Vậy nên, người Nhật cực kỳ chuộng và hâm mộ những quán ăn được hiệp hội ẩm thực uy tín này tặng ngôi sao. Nếu có dịp tới thăm Beppu, đừng bỏ qua Cơm Dĩa nhé!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn