MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên trong một nhà máy ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Nguy cơ giảm phát đe dọa nền kinh tế Trung Quốc

Thanh Hà LDO | 10/08/2023 07:13

Dữ liệu chính thức cho thấy, giá tiêu dùng của Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát trong tháng 7 - lần đầu tiên sau hơn 2 năm - do chi tiêu trong nước chậm lại gây sức ép cho quá trình phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thông tin, chỉ số giá tiêu dùng - thước đo chính của lạm phát - đã giảm 0,3 điểm trong tháng 7.

Dữ liệu của tháng 7 là lần lạm phát âm đầu tiên của Trung Quốc kể từ đầu năm 2021 - thời điểm giá yếu hơn do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới nhu cầu và giá thịt lợn giảm.

Những số liệu này được công bố một ngày sau khi dữ liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 giảm mạnh hơn so với dự kiến, do nhu cầu với hàng hoá Trung Quốc của toàn cầu yếu đi. Các nhà bán lẻ Trung Quốc bị sụt giảm doanh số bán hàng. Điều này có nghĩa, các nhà bán lẻ đã tích trữ hàng hoá vào thời điểm Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trong đại dịch đang phải chịu áp lực giảm giá.

Giới chức Trung Quốc đã hạ thấp những lo ngại về giảm phát. Tháng trước, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Liu Guoqiang cho biết, sẽ không có rủi ro giảm phát ở Trung Quốc trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, ông lưu ý nền kinh tế Trung Quốc cần thời gian để trở lại bình thường sau đại dịch.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu lạm phát tiêu dùng khoảng 3% trong năm nay. Dù có các chính sách kích thích trong thời gian gần đây nhưng người tiêu dùng và nhà sản xuất vẫn thận trọng khi thị trường nhà ở vẫn còn yếu, tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và các doanh nghiệp nước ngoài e dè trong đầu tư vào Trung Quốc.

Ông Jim Reid - chiến lược gia tại Deutsche Bank - nhận định, dữ liệu thương mại cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang bị “kéo xuống thấp hơn do nhu cầu toàn cầu yếu và nhu cầu trong nước chậm lại”.

Bloomberg chỉ ra, kể từ tháng 10 năm ngoái, giá sản xuất của Trung Quốc đã giảm trên cơ sở cùng kỳ năm trước, phần lớn là do giá các mặt hàng như than và dầu thô giảm. Với dữ liệu giá tiêu dùng giảm trong tháng 7 vừa công bố, Trung Quốc có cả giá tiêu dùng và giá sản xuất đều giảm.

Cũng theo Bloomberg, sử dụng chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) - thước đo giá cả của toàn nền kinh tế - Trung Quốc đã rơi vào tình trạng giảm phát. Giảm phát - theo định nghĩa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là “sự sụt giảm liên tục trong thước đo tổng hợp về giá cả”, như chỉ số giá tiêu dùng hoặc chỉ số giảm phát GDP.

Khác với đợt giảm tạm thời cuối năm 2020 và đầu năm 2021 - thời điểm giá thịt lợn là nguyên nhân chính - đợt giảm giá tiêu dùng lần này của Trung Quốc đáng lo ngại hơn.

Hiện xuất khẩu của Trung Quốc giảm khi người tiêu dùng ở một số thị trường lớn nhất Trung Quốc, trong đó có Mỹ và châu Âu, giảm chi tiêu. Suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc cũng khiến giá thuê nhà, giá đồ nội thất và thiết bị gia dụng giảm.

Ngoài ra, cuộc chiến giá cả giữa các nhà sản xuất ôtô bắt nguồn từ việc Tesla giảm giá khiến các thương hiệu lớn khác tham gia, dẫn đến giá ôtô giảm mạnh vào đầu năm nay.

Khi giá nhiều loại hàng hóa tiếp tục giảm trong thời gian dài, người tiêu dùng có thể trì hoãn mua hàng, hạn chế hoạt động kinh tế hơn nữa và buộc các doanh nghiệp tiếp tục giảm giá, cắt giảm đầu tư vì lợi nhuận giảm và từ đó có thể dẫn tới ngừng tuyển dụng hoặc sa thải nhân sự. Tình trạng hạn chế đầu tư và tuyển dụng mới có thể dẫn đến trì trệ kinh tế như Nhật Bản trải qua trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là, không phải giá tất cả các mặt hàng ở Trung Quốc đều giảm. Chi tiêu của người tiêu dùng nước này cho các dịch vụ vẫn khá mạnh. Giá du lịch tăng 7,1% trong 6 tháng đầu năm so với một năm trước nhờ giá khách sạn tăng. Chi phí cho các dịch vụ như giải trí, giáo dục và chăm sóc y tế cũng đang tăng lên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn