MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguy cơ khủng hoảng đồng euro gia tăng, các nước nợ nần trong khu vực này có thể bị ảnh hưởng. Ảnh: Xinhua

Nguy cơ khủng hoảng đồng euro gia tăng

Minh Hạ LDO | 02/07/2024 14:59

Sự tích tụ các vấn đề kinh tế và chính trị trong khu vực đồng euro làm tăng nguy cơ của một cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Nguy cơ khủng hoảng trong khu vực đồng euro đang gia tăng. Tuy nhiên, các điều kiện vẫn chưa đủ chín muồi để kích hoạt một cuộc khủng hoảng.

Một trong những nỗi lo lớn nhất là sự trỗi dậy của đảng cực hữu Đảng Tập hợp Quốc gia (NR) trong cuộc bầu cử Quốc hội trước hạn ở Pháp. Điều này có thể dẫn đến bất ổn chính trị và tài chính không lành mạnh, sự gia tăng mạnh về lợi suất trên trái phiếu Chính phủ Pháp.

Các nước nợ nần nhiều trong khu vực đồng euro, đặc biệt là Italy, có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, kịch bản này chưa chắc sẽ xảy ra bởi Jordan Bardella - ứng cử viên Thủ tướng của đảng cực hữu - đã giảm bớt các cam kết tài chính của đảng mình.

NR đang nhắm đến mục tiêu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2027. Bởi vậy, việc làm suy yếu uy tín bằng cách kích động một cuộc khủng hoảng tài chính là hành động không hợp lý.

Các nhà đầu tư không quá lo lắng. Kể từ khi Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi bầu cử, sự khác biệt giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ Pháp và Đức kỳ hạn 10 năm đã tăng từ 49 lên 85 điểm cơ bản.

Sự lan truyền sang Italy bị hạn chế, chênh lệch lợi suất trái phiếu của nước này với Đức tăng lên 162 điểm cơ bản, từ mức 133 điểm cơ bản. Vào năm 2011, khi ông Silvio Berlusconi là Thủ tướng, chênh lệch này là 560 điểm cơ bản.

Điều này nói lên rằng, triển vọng trung hạn cho đồng tiền chung là đáng lo ngại. Nợ cao, nhu cầu chi tiêu cấp bách và tăng trưởng thấp ở nhiều nước vào thời điểm xung đột chính trị gia tăng đang tích tụ rắc rối.

Khu vực đồng euro có cách để chống lại một cuộc khủng hoảng tài chính. Nếu chênh lệch lợi suất trên trái phiếu của một quốc gia tăng mạnh, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể can thiệp và mua nợ của nước đó. Song, ECB cho biết sẽ chỉ cứu trợ một quốc gia theo đuổi “các chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô lành mạnh và bền vững".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn