MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh. Ảnh: N.HỒNG

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh: “Gắn kết lợi ích đan xen của Việt Nam với các nước lớn”

HÀ LIÊN (ghi) LDO | 21/08/2018 06:42

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng, Việt Nam cùng các nước, đặc biệt là ASEAN, cần kết nối sáng kiến của các nước lớn, xây dựng, củng cố luật chơi, thể chế, để có môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển bền vững.

- Đánh giá của ông về ngoại giao Việt Nam với các nước lớn trong khu vực và quốc tế?

- Các nước lớn cũng như các nước láng giềng rất quan trọng với môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của Việt Nam. Sự tương tác nước lớn và những chính sách của họ tác động rất lớn đến cục diện thế giới, khu vực.

Trong chính sách đối ngoại Việt Nam, quan hệ đối tác với các nước lớn hết sức quan trọng. Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước lớn, trong đó có Mỹ, để phục vụ cả 3 trục chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội cũng như các mặt khác.

Trong quan hệ với các nước lớn, tôi rút ra rằng, khi gắn kết được các lợi ích đan xen giữa Việt Nam với các nước lớn, sẽ có mối quan hệ ổn định, tranh thủ được những lợi ích song trùng, tạo ra những giá trị vượt ra khỏi khuôn khổ song phương. Khi có quan hệ tốt với các nước lớn, vị thế và vai trò Việt Nam trong quan hệ đối ngoại chung cũng như trong hợp tác với các thể chế quốc tế được tăng cường, đồng thời tạo cơ hội cho Việt Nam thực hiện chủ trương hội nhập sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.

Ngoại giao với nước lớn là việc Việt Nam phải làm nhưng cần chú ý, không phải lúc nào trong quá trình tương tác của nước lớn cũng gắn kết với lợi ích của nước nhỏ. Do đó, chúng ta cần nắm sát diễn biến, nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là độc lập tự chủ, tạo môi trường thuận lợi, hòa bình, ổn định, đa dạng hóa quan hệ để không lệ thuộc bất cứ ai.

Cần gắn kết với khu vực để tạo vị thế, giá trị khu vực, giá trị chiến lược của Việt Nam. Việc tham gia vào các thể chế khu vực như ASEAN, APEC… và các thể chế quốc tế sẽ giúp Việt Nam tạo cân bằng trong quan hệ đối ngoại.

- Chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ có tác động thế nào tới chính sách đối ngoại Việt Nam?

- Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương luôn rất quan trọng với Việt Nam. Các sáng kiến nhằm thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác trong khu vực này nhằm tạo vị trí hợp tác bình đẳng và cùng có lợi cho tất cả các nước, đồng thời ứng xử được trước những vấn đề nảy sinh ở khu vực. Điểm quan trọng là cần tiếp tục tôn trọng, nhân lên các thể chế hiện tại, trong đó có các cơ chế và vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam nên nghiên cứu tham gia đồng thời xây dựng luật chơi.

Hiện có rất nhiều sáng kiến ở tầm toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như sáng kiến ở khu vực nhỏ hơn. Do đó, Việt Nam cùng với các nước, đặc biệt là ASEAN, cần kết nối các sáng kiến lại, tranh thủ xây dựng, củng cố luật chơi, thể chế, để các nước lớn cũng như nước nhỏ đều có môi trường hòa bình, ổn định cùng phát triển bền vững.

- Trước sáng kiến như: Ấn Độ - Thái Bình Dương hay Vành đai Con đường… ASEAN có vai trò thế nào và nên ứng phó ra sao?

- ASEAN có 2 nhiệm vụ quan trọng luôn song hành trong suốt quá trình tồn tại, phát triển: Củng cố đoàn kết và nội lực, nhất là thông qua xây dựng cộng đồng ASEAN; Hướng ngoại, đặc biệt là trong quan hệ với các đối tác, để tranh thủ môi trường thuận lợi bên ngoài.

Với những sáng kiến liên quan đến khu vực, ASEAN nên chủ động tham gia, cùng bàn với các đối tác hướng các sáng kiến của các nước lớn phù hợp, song trùng với lợi ích của ASEAN.

Nếu làm được điều này, ASEAN sẽ phát huy được vai trò trung tâm cũng như tiếp tục tranh thủ nhân lên được các cơ hội và ứng phó được với các thách thức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn