MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX phóng vệ tinh Starlink thành công hồi tháng 2. Ảnh: SpaceX

Nguyên do SpaceX tạm ngừng phóng vệ tinh Starlink

Hải Anh LDO | 26/08/2021 13:47
SpaceX không phóng bất kỳ vệ tinh Starlink nào kể từ tháng 6. Lý do của động thái này mới được hé lộ. 

SpaceX phóng chùm vệ tinh Starlink lên quỹ đạo thấp của Trái đất lần gần nhất vào 30.6. Công ty của tỉ phú Elon Musk sau đó không tiết lộ thêm bất kỳ điều gì về dự định với chòm Internet vệ tinh này.  

Trong nửa đầu năm 2021, SpaceX phóng vệ tinh Starlink vào quỹ đạo thường xuyên nên việc tạm ngừng đã đặt ra nhiều câu hỏi, theo Space.com. 

Đầu tuần này, tại hội nghị thường niên Space Symposium lần thứ 36, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SpaceX  Gwynne Shotwell đã giải thích về vấn đề này.

Bà Shotwell tiết lộ, SpaceX đang làm việc để tích hợp các thiết bị đầu cuối laser vào tất cả các vệ tinh Starlink. 

"Đó là lý do tại sao chúng tôi vật lộn trong 6 hoặc 8 tuần. Chúng tôi muốn bộ vệ tinh tiếp theo có gắn thiết bị đầu cuối laser", bà nói. 

Các thiết bị đầu cuối laser đã được thêm vào một loạt vệ tinh Starlink vào tháng 1.2021. Những thiết bị này cho phép các vệ tinh truyền thông tin cho nhau và thông tin liên lạc theo những cách khác.

Với công nghệ này, SpaceX muốn mỗi lô thuộc chòm vệ tinh Starlink sẽ không còn cần các trạm mặt đất trên Trái đất. Sự thay đổi này giúp phạm vi phủ sóng Internet vệ tinh đến những khu vực không thể xây dựng các trạm mặt đất, bà Shotwell giải thích. 

Theo Chủ tịch SpaceX, việc tạm dừng phóng vệ tinh sẽ không kéo dài lâu nữa. Công ty dự kiến bắt đầu phóng vệ tinh trở lại sau khoảng 3 tuần.

SpaceX tiếp tục phát triển chòm vệ tinh Starlink với mục tiêu cung cấp dịch vụ Internet cho người dùng trên toàn cầu, ngay cả ở những vùng sâu vùng xa. 

Hiện có hơn 1.600 vệ tinh Starlink trên quỹ đạo và con số đó sẽ tiếp tục tăng lên. SpaceX đã nộp hồ sơ cho 42.000 vệ tinh cho chòm vệ tinh này. Công ty cũng đang tích cực nghiên cứu cách thức ngăn ngừa va chạm và giảm thiểu rủi ro trên quỹ đạo. 

"Điều tồi tệ nhất trên thế giới là xảy ra va chạm" - bà Shotwell nói đồng thời nhấn mạnh công ty dùng công nghệ tránh va chạm tự động cho vệ tinh Starlink.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn