MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguyên nhân không ngờ khiến các triều đại hùng mạnh nhất Trung Quốc sụp đổ

Nguyễn Hạnh LDO | 12/11/2021 20:00
Các vụ phun trào núi lửa đã kích hoạt sự sụp đổ của một số triều đại hùng mạnh nhất Trung Quốc trong 2.000 năm qua.

Theo Daily Mail, các vụ phun trào núi lửa có thể khiến khí hậu trở nên lạnh và hanh khô bằng cách giải phóng các sol khí sunphat có khả năng phản xạ ánh sáng Mặt trời vào khí quyển. Điều này dẫn đến thiệt hại về vật nuôi và mùa màng.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) đã sử dụng lõi băng chiết xuất từ cả Nam Cực và Greenland để phân tích mức sunphat trong khí quyển quá khứ. Từ đó, họ có thể tái tạo lại 156 vụ phun trào núi lửa xảy ra trên khắp thế giới trong khoảng thời gian từ năm 1-1915 sau Công nguyên. Họ cũng phân tích các tài liệu mô tả chi tiết lịch sử của 68 triều đại từ năm 850-1911.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, những cú sốc khí hậu do sự phun trào núi lửa có gây ra sự sụp đổ xã ​​hội, đặc biệt là vào những thời điểm căng thẳng chính trị và kinh tế xã hội đã ở mức cao.

Các nhà nghiên cứu giải thích: "Nông học phức tạp là yếu tố then chốt để duy trì các triều đại đông dân liên tiếp của Trung Quốc. Sự thay đổi khí hậu đột ngột và thời tiết khắc nghiệt có khả năng ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động chính trị, kinh tế và nhân khẩu học của họ".

Theo nhóm khoa học, các vụ phun trào núi lửa là một trong những động lực quan trọng nhất của sự biến đổi khí hậu đột ngột và rõ rệt trong thời gian ngắn. Ngoài việc khiến mùa hè trở nên lạnh một cách rõ rệt, các sol khí có thể làm giảm sự bốc hơi của nước và ảnh hưởng đến sự di chuyển theo mùa của dải hội tụ nhiệt đới, làm suy yếu các đợt gió mùa hè.

Do đó, các vụ phun trào lớn có thể gây ra nguy cơ kép là giá lạnh và hạn hán rõ rệt trong mùa trồng trọt. Cùng với đó là sự chết dần chết mòn của gia súc, sự suy thoái nhanh chóng của đất đai và cây trồng thiệt hại nặng nề hơn.

Nhóm nghiên cứu kết luận, 62 trong tổng số 68 vụ sụp đổ triều đại là do ít nhất một vụ phun trào núi lửa ở đâu đó trên toàn cầu.

Một số triều đại rất kiên cường và đã không ngay lập tức bị các vụ phun trào khuất phục. Tiêu biểu, vụ phun trào năm 1815 của núi Tambora ở Indonesia - vụ phun trào mạnh mẽ nhất trong lịch sử được ghi lại - đã không hạ gục được triều đại đương thời, vốn tiếp tục cai trị đất nước trong gần 1 thế kỷ nữa.

Nhóm nghiên cứu đặc biệt tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa mức độ ảnh hưởng của cú sốc khí hậu và mức độ bất ổn đã có từ trước. Họ phát hiện, ngay cả một vụ phun trào nhỏ cũng có thể kích hoạt sự sụp đổ khi sự bất ổn đã tồn tại trước đó ở mức nghiêm trọng. Trong khi đó, những vụ phun trào lớn có thể gây ra sự sụp đổ ngay cả khi sự bất ổn từ trước là không đáng kể. Bối cảnh lịch sử chính là chìa khóa để hiểu cách khí hậu tác động đến xã hội.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học xác nhận sự sụp đổ của các triều đại ở Trung Quốc trong 2.000 năm qua có nhiều khả năng xảy ra trong những năm sau khi núi lửa phun trào. Nếu có chiến tranh và xung đột, triều đại càng dễ bị sụp đổ hơn. Tác động của khí hậu lạnh đối với cây trồng cũng có thể làm cho xung đột dễ xảy ra hơn và làm tăng thêm khả năng sụp đổ.

May mắn là trong thế kỷ 20 và 21, những vụ trào núi lửa nhỏ hơn nhiều so với những vụ phun trào xảy ra trong các triều đại cũ của Trung Quốc.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Communications Earth & Environment.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn