MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP.

Nguyện vọng cải tổ WHO của Pháp và Đức

Thanh Hà LDO | 20/08/2020 07:51
Đức, Pháp muốn có thêm tài trợ, quyền lực cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tiến trình cải cách sâu rộng tổ chức này. 

Đức và Pháp muốn cung cấp ngân sách và quyền lực cho Tổ chức Y tế Thế giới sau khi đại dịch COVID-19 phơi bày  những điểm yếu về tài chính và pháp lý lâu đời tại cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc, Reuters thông tin. 

Cải cách được đề xuất có thể đã được thảo luận tại WHO vào giữa tháng 9, ba nguồn tin nắm rõ đàm phán cải tổ WHO tiết lộ với hãng tin Anh. 

Trong tài liệu chung được lưu hành trong giới ngoại giao liên quan đến đàm phán cải tổ WHO, Pháp và Đức cho rằng, nhiệm vụ của WHO, bao gồm ngăn chặn bùng phát dịch bệnh trên toàn thế giới và giúp các chính phủ giải quyết dịch bệnh, đã không nhận được đủ hỗ trợ về nguồn lực tài chính và quyền lực pháp lý. 

“Không chỉ trong thời kỳ đại dịch hiện nay, rõ ràng WHO đã thiếu một phần khả năng để thực hiện ủy thác này" - tài liệu nêu rõ. 

Một nhà ngoại giao phương Tây ở Geneva đề cập đến đóng góp của các quốc gia thành viên dựa trên GDP của từng nước, cho biết: “Điểm mấu chốt là sự không tương thích giữa nhiệm vụ và tài chính của WHO". Theo ông, cần có nhiều tiền hơn và họ đang yêu cầu tăng các khoản đóng góp. 

Berlin và Paris đang tìm kiếm sự đồng thuận “từ Washington đến Bắc Kinh” quanh tài liệu này, một nguồn tin gần với các cuộc đàm phán cải tổ WHO tiết lộ. 

Reuters nhận định, động thái này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Pháp và Đức tới cuộc cải tổ WHO, bất chấp các cuộc đàm phán về vấn đề với Mỹ ở cấp G7 hồi cuối tháng 8 đã thất bại do bất đồng quan điểm về cải tổ. 

Pháp và Đức không giấu giếm sự chỉ trích với WHO. Tuy nhiên, cách tiếp cận của hai nước này khác với Mỹ. Bộ trưởng Y tế của Pháp và Đức đã cam kết tài trợ mới sau cuộc hội đàm với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hồi tháng 6. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump cắt giảm tài trợ, tuyên bố rút khỏi WHO.

Kế hoạch cải tổ WHO của Pháp-Đức tập trung vào củng cố WHO, trao quyền cho tổ chức này để có thể chỉ trích các quốc gia thành viên nhiều hơn nếu những thành viên này không tuân thủ các quy tắc toàn cầu về tính minh bạch trong việc báo cáo các vấn đề sức khỏe và dịch bệnh. 

Tài liệu dài 7 trang liệt kê 10 cải cách nhằm tăng cường quyền lực pháp lý và tài trợ của WHO. “Ngân sách tổng thể của WHO với khoảng 5 tỉ USD cho thời gian 2 năm,  tương đương với kinh phí của một bệnh viện cấp vùng lớn” - tài liệu nêu ra và kêu gọi tài trợ lớn hơn, tin cậy hơn. 

Tài liệu về cải tổ WHO cho biết cần có ngân sách mạnh hơn, đặc biệt là để xử lý các trường hợp khẩn cấp, để tránh việc WHO phải gây quỹ giữa các đợt bùng phát dịch bệnh - điều có thể làm giảm tính độc lập của tổ chức này. 

Các chuyên gia của WHO sẽ có thể “điều tra độc lập và đánh giá các đợt bùng phát (tiềm tàng) càng sớm càng tốt” - văn bản nêu rõ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn