MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường nơi được cho là một phần của nhà hát Red Lion ở Whitechapel, phía đông London, Anh. Ảnh: UCL

Nhà hát lâu đời nhất London bất ngờ lộ diện

Phương Linh LDO | 11/06/2020 10:35

Một nhóm các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một nhà hát lâu đời nhất ở London, bên dưới một công trường xây dựng ở Whitechapel.

The Guardian đưa tin, nhà hát Sư tử đỏ được cho là được xây dựng vào khoảng năm 1567 và vị trí chính xác của nó đã là chủ đề phỏng đoán và tranh luận trong nhiều năm, nhưng lần này các nhà khảo cổ học tin chắc rằng di tích của nó được phát hiện tại một địa điểm ở East End của London.

''Thành thật mà nói đây không phải là điều tôi mong đợi khi tôi bắt đầu thực hiện một cuộc khai quật ở Whitechapel'', Stephen White - người đứng đầu nhóm khảo cổ học tới từ Khảo cổ học Đông Nam, trực thuộc Viện Khảo cổ học Đại học London - nói.

Ông White cho biết, kết hợp với các bằng chứng có liên quan, ''chắc chắn đến 97%'' đó là nhà hát Sư tử đỏ. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính lịch sử của nhà hát này, đó là bước chuyển từ biểu diễn trong sân nhà sang các buổi biểu diễn trong không gian chuyên dụng.

Nhà hát Sư tử đỏ được xây dựng bởi John Brayne, người bán tạp hóa và cũng là doanh nhân đã nhận ra tiềm năng kiếm tiền của nhà hát và bắt đầu xây dựng một nguyên mẫu - chính là Sư tử đỏ.

Nhà hát là địa điểm cố định đầu tiên cho các đoàn kịch và các vở kịch do Shakespeare dàn dựng vào năm 1590. Sau một cuộc tranh cãi, nó đã bị dỡ bỏ và vật liệu được tận dụng để xây dựng nhà hát Quả cầu nổi tiếng.

Hiện nay, tất cả những gì được biết về Sư tử đỏ là tài liệu về vụ kiện giữa John Brayne và thợ mộc làm việc trong công trình xây dựng. Một vài tài liệu khác cũng cho biết kích thước của sân khấu là 12,2 m từ bắc xuống nam, và 9,1 m từ đông sang tây, ở độ cao 1,5 m.

Tại địa điểm nơi phát hiện ra di tích nhà hát Sư tử đỏ, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các vật liệu bằng gỗ và toàn bộ cấu trúc nhà hát. Thêm một số vật dụng như cốc, cốc uống nước - bằng chứng về một hầm bia trong nhà hát.

Cốc uống bia được tìm thấy tại di tích nhà hát Sư tử đỏ. Ảnh: UCL

Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy các bộ xương chó với những chiếc răng đã bị mài mòn, cho thấy nhà hát đã được tái sử dụng làm hầm bẫy thú trong thế kỷ 17.

Emily Gee, giám đốc lịch sử khu vực London và phía đông nam, cho biết phát hiện này ''góp phần cải thiện sự hiểu biết của chúng tôi về sự khởi đầu của nhà hát Anh'' và sẽ ''tiếp tục tìm hiểu di tích khảo cổ để công bố giúp công chúng hiểu được quá trình phát triển, hoàn thiện và coi trọng giá trị lịch sử của địa điểm này''.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn