MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà khoa học hạt nhân bị ám sát đẩy Iran vào thế tiến thoái lưỡng nan

Ngọc Vân LDO | 02/12/2020 11:18

Tehran phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan sau khi nhà khoa học hạt nhân Iran bị ám sát.

Sau cái chết của nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh, vụ phá hoại khu lắp ráp máy ly tâm ở nhà máy hạt nhân Natanz và hồi đầu năm là vụ ám sát tướng hàng đầu Qassem Soleimani, Iran đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Nếu Iran quyết định không trả đũa để giữ cánh cửa ngoại giao rộng mở, đất nước sẽ trông yếu ớt và có khả năng tiếp tục chịu nhiều cuộc tấn công bí mật hơn. Nhưng nếu Iran trả thù các mục tiêu của Israel hoặc Mỹ, Tehran có thể mất cơ hội tốt nhất để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vốn đã khiến nền kinh tế của nước này trở nên tồi tệ - NBC News nhận định.

Theo ông Robert Malley, một cựu quan chức cấp cao trong Nhà Trắng thời Tổng thống Barack Obama, người đã giúp đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran, hành động trả đũa của Iran có nguy cơ gây ra phản ứng dây chuyền.

"Israel có thể lựa chọn đáp trả và bất kỳ động thái nào như vậy có thể làm phức tạp thêm việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, khiến Iran khó có thể được cứu trợ kinh tế" - ông Malley, chủ tịch Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, viết trên tạp chí Foreign Policy mới đây.

Trong những tuần và tháng tới, Iran sẽ phải xem xét cách giữ an toàn cho các quan chức hạt nhân còn lại của mình, cách ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai và xem xét liệu hành động trả đũa có cải thiện hay làm suy yếu triển vọng của một thỏa thuận ngoại giao với chính quyền ông Joe Biden sắp tới hay không, các cựu quan chức Mỹ cho biết.

Tuy nhiên, các vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân khác của Iran 10 năm trước đã không thể ngăn cản Iran theo đuổi con đường ngoại giao với Mỹ và các chính phủ khác - David Albright, người sáng lập và chủ tịch của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế phi lợi nhuận cho biết.

Albright nói rằng, cái chết của nhà khoa học Fakhrizadeh tước đi của Iran một nhân vật quan trọng, người giỏi quản lý và tổ chức các công việc hạt nhân nhạy cảm.

Albright nói, nếu Iran quyết định gấp rút chế tạo một quả bom, thì việc chế tạo một thiết bị kích nổ dưới lòng đất đối với họ sẽ không gặp khó khăn gì và sẽ không mất nhiều thời gian như vậy. Tuy nhiên, theo Albright, nếu Iran chế tạo một đầu đạn hạt nhân có thể hoạt động trên đầu một tên lửa đạn đạo thì điều đó đòi hỏi một nỗ lực công phu để phối hợp công việc của các nhà sản xuất bom và các chuyên gia tên lửa.

"Theo nghĩa đó, tôi nghĩ rằng vụ ám sát là một đòn đáng kể đối với khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran" - ông Albright nói thêm.

Một cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cho biết, việc xây dựng chương trình vũ khí hóa hạt nhân liên quan đến nhiều thứ, như việc xây dựng một đội ngũ nhân sự, các tòa nhà và thiết bị rộng lớn, bí mật.

"Fakhrizadeh có kinh nghiệm đó cũng như khả năng làm việc với các lãnh đạo kỹ thuật và quốc phòng" - quan chức này nói.

Albright cho biết, vụ ám sát, cùng với vụ phá hoại trước đó, gửi tín hiệu tới Iran rằng nước này không thể cho rằng bất kỳ công việc hạt nhân nào trong tương lai có thể được giữ bí mật. "Họ thậm chí không thể bảo vệ người hàng đầu của mình. Họ phải thực sự lo lắng" - Albright nói.

Ông Miryousefi của phái bộ Iran tại Liên Hợp Quốc nói rằng Iran đã phá vỡ nhiều âm mưu và sẽ vẫn cảnh giác trước các mối đe dọa từ nước ngoài, nhưng công việc hạt nhân của đất nước sẽ tiếp tục.

Ông nói với NBC News trong một email: “Trong khi một nhà khoa học vĩ đại và một anh hùng dân tộc đã bị sát hại dã man bởi những kẻ khủng bố, chương trình hạt nhân hòa bình của Iran sẽ tiếp tục theo đúng kế hoạch".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn