MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich (MSC) Wolfgang Ischinger phát biểu tại phiên bế mạc MSC lần thứ 56 tại Munich, Đức, ngày 16.2.2020. Ảnh: Xinhua

Nhà ngoại giao kỳ cựu Đức đề xuất giải quyết xung đột Nga - Ukraina

Ngọc Vân LDO | 14/03/2023 08:32
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Đức Wolfgang Ischinger đề xuất thành lập một nhóm liên lạc quốc tế để giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraina, với nòng cốt là Mỹ, Anh, Pháp và Đức.

Trong bài bình luận trên tờ Der Tagesspiegel của Đức xuất bản hôm 12.3, nhà ngoại giao kỳ cựu Đức, Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich từ năm 2008 đến năm 2022, viết rằng bây giờ là lúc cần thảo luận nghiêm túc về các biện pháp bảo đảm hòa bình.

Ông Ischinger, 76 tuổi, là nhà ngoại giao nổi tiếng ở Berlin, từng là Đại sứ Đức tại Mỹ và Vương quốc Anh, đồng thời nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng khác.

Ông nhấn mạnh, “đã đến lúc chúng ta khởi động một tiến trình hòa bình cho Ukraina”, đồng thời thừa nhận rằng những tiếng nói chỉ trích ở phương Tây đã nêu ra những vấn đề không “hoàn toàn phi lý”.

Điều đó bao gồm câu hỏi về việc các chính phủ có kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraina trong bao lâu nữa.

Với suy nghĩ này, nhà ngoại giao kỳ cựu người Đức kêu gọi thành lập “ngay lập tức” một nhóm liên lạc đặc biệt sẽ hoạt động cùng với nhóm Căn cứ Không quân Ramstein hiện có đang giúp điều phối viện trợ quốc phòng cho Ukraina.

Theo ông Ischinger, một tập hợp các cường quốc thế giới như vậy nên được giao nhiệm vụ đưa ra nhiều kịch bản và lựa chọn dàn xếp, cũng như chuẩn bị các dự thảo thỏa thuận để nếu và khi Kiev và Mátxcơva quyết định ngồi vào bàn đàm phán, đã có sẵn một số cơ sở cho một tiến trình hòa bình.

Ngoài bốn cường quốc phương Tây được đề cập, nhóm liên lạc do chính trị gia người Đức dự kiến ​​cũng sẽ có sự tham gia của các quốc gia như Canada, Tây Ban Nha, Ba Lan, Italia, các quốc gia vùng Baltic, cũng như Liên Hợp Quốc, EU, OSCE và NATO.

Ông Ischinger cho biết thêm, để tăng tính đại diện cũng nên mời thêm Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc.

Ông Ischinger chỉ ra, các vấn đề chính trong chương trình nghị sự của nhóm sẽ bao gồm các điều khoản ngừng bắn, vấn đề chủ quyền đối với Crimea và các vùng của Donbass, đảm bảo an ninh cho Ukraina và khả năng Ukraina gia nhập NATO.

Bình luận về đề xuất của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Đức Wolfgang Ischinger, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hiện không có điều kiện nào cho một giải pháp hòa bình ở Ukraina, nghĩa là Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến đấu.

“Ưu tiên tuyệt đối đối với chúng tôi vẫn và sẽ luôn đạt được các mục tiêu mà chúng tôi đã đặt ra cho chính mình. Tại thời điểm này, chúng chỉ có thể đạt được thông qua các biện pháp quân sự” - RT dẫn lời ông Peskov phát biểu với báo giới hôm 13.3.

Giới chức Nga đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng đàm phán với Ukraina về nguyên tắc, với điều kiện Kiev chấp nhận các điều kiện của Mátxcơva và công nhận điều mà Điện Kremlin gọi là "thực tế hiện tại".

Phát biểu trước Quốc hội Liên bang Nga vào cuối tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, chính Ukraina và những người ủng hộ phương Tây là những người "khơi mào chiến tranh".

Vào tháng 1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát tín hiệu rằng Mátxcơva “sẵn sàng đáp ứng mọi đề xuất nghiêm túc” để giải quyết cuộc xung đột. Tuy nhiên, ông tuyên bố, phương Tây không cho phép Kiev tự đưa ra quyết định.

Mátxcơva lập luận, chính phủ Ukraina đã thực sự khiến các cuộc đàm phán hòa bình không thể thực hiện được, và rằng Kiev đã áp dụng lập trường của mình dựa trên mệnh lệnh từ Mỹ, nhằm gây ra một thất bại chiến lược đối với Nga.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn