MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy lọc dầu Slovnaft do Hungary sở hữu đặt tại Slovakia. Ảnh: MOL

Nhân tố mới tham gia vụ Ukraina chặn dầu Nga sang 2 nước EU

Thanh Hà LDO | 03/08/2024 09:20

Hungary đã từ chối lời đề nghị của Croatia về việc sử dụng đường ống dẫn dầu của nước này làm phương án thay thế nhập dầu của Nga qua Ukraina.

Tổng thống Croatia Andrej Plenkovic đã viết thư cho ủy ban EU ngày 1.8 để thông tin đường ống dẫn dầu của nước này kết nối với các cảng Adriatic - nơi dầu vận chuyển bằng đường biển có thể được đưa vào mạng lưới của châu Âu - đang "dùng không hết công suất", Financial Times thông tin.

Cơ sở hạ tầng nhập khẩu ở đây vượt quá nhu cầu của Croatia. "Các quốc gia không giáp biển ở Trung Âu có cơ hội sử dụng tuyến cung cấp thay thế này để giảm hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc của họ vào dầu của Nga" - nhà lãnh đạo Croatia viết.

Ông nhấn mạnh, công ty vận chuyển dầu của Croatia JANAF "sẵn sàng đàm phán hợp đồng dài hạn với khối lượng lớn hơn để đảm bảo an ninh nguồn cung năng lượng và giảm sự phụ thuộc".

Công suất đường ống dẫn dầu Adria của JANAF là 14,3 triệu tấn dầu mỗi năm, từ kho cảng của công ty trên đảo Krk. Hiện tại, Croatia mua 2 triệu tấn và Serbia mua 3,3 triệu tấn từ nguồn này. Tổng thống Plenkovic cho biết, MOL của Hungary có hợp đồng 2,2 triệu tấn mỗi năm cho đến cuối năm 2024.

Hệ thống đường ống dẫn dầu Adria của JANAF đang được Croatia đề xuất Hungary và Slovakia sử dụng sau khi Ukraina chặn dòng dầu của Nga sang 2 quốc gia Trung Âu này. Ảnh chụp màn hình Financial Times

Ngày 2.8, Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis đã khuyến khích Budapest và Bratislava sử dụng đường ống dẫn dầu Adria. Ông cũng yêu cầu bằng chứng cho thấy lệnh trừng phạt Lukoil của Ukraina đã làm giảm nguồn cung dầu với Hungary và Slovakia.

Nguồn cung dầu từ Lukoil - công ty xuất khẩu dầu tư nhân lớn nhất của Nga - qua Ukraina đã bị dừng lại từ tháng 7 sau khi Ukraina cấm Lukoil sử dụng đường ống dẫn dầu Druzhba nối Nga với Đông Âu. Hungary và Slovakia đã yêu cầu Ủy ban châu Âu can thiệp.

Reuters cho hay, ngày 2.8, Slovakia và Hungary đã bác bỏ đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc thay thế nguồn cung dầu thông qua tuyến đường ống dẫn dầu của Croatia, nói rằng tuyến đường này quá tốn kém.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã chỉ trích lá thư của nhà lãnh đạo Croatia trên mạng xã hội, tuyên bố rằng lá thư này đã được phối hợp với Ủy ban châu Âu để gây sức ép với Hungary.

"Đơn giản là Croatia không phải quốc gia đáng tin cậy để trung chuyển. Giá trung chuyển dầu của Croatia đã tăng gấp 5 lần kể từ khi xung đột ở Ukraina nổ ra" - ông Peter Szijjarto cho biết.

Ngoại trưởng Croatia Gordan Grlic Radman đã phản hồi ngay, nhấn mạnh: "Đây là một tuyên bố chính trị cực kỳ xúc phạm mà chúng tôi không ngờ đến từ đại diện của quốc gia mà chúng tôi đã phản ứng bằng sự kiềm chế và ôn hòa trước những động thái có chủ đích xấu".

Slovakia - nơi nhà máy lọc dầu Slovnaft do Hungary sở hữu đã tiếp nhận một phần dầu thông qua JANAF - thông tin ngày 2.8 về việc đã nhận được một lá thư từ chính phủ Croatia đề nghị đảm bảo nguồn cung.

"Nhưng với giá nào? Công suất bao nhiêu? Không ai biết điều đó ngày hôm nay" - Ngoại trưởng Slovakia Juraj Blanar đặt câu hỏi. Ông cho biết, Slovakia muốn Ủy ban châu Âu yêu cầu Ukraina khôi phục hoàn toàn nguồn cung từ Nga. Đồng thời, Slovakia cũng sẽ tìm kiếm một giải pháp khác trong trường hợp Ủy ban không hành động.

Reuters thông tin, ngày 2.8, khi Hungary lên tiếng cho rằng Croatia không đầu tư vào việc xây dựng năng lực trung chuyển dầu và chưa bao giờ chứng minh được con số công suất trung chuyển tối đa của đường ống, JANAF bác bỏ các cáo buộc.

Công ty Croatia nhấn mạnh đã liên tục đầu tư vào hệ thống vận chuyển - lưu trữ đồng thời đã cùng với MOL thử nghiệm năng lực vận chuyển trên đoạn đường ống dẫn đến Hungary và chứng minh được có thể vận chuyển 1,2 triệu tấn dầu thô mỗi tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn