MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
1 tình nguyện viên đang được tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 do công ty Trung Quốc Sinovac Biotech sản xuất, tại Bệnh viện das Clinicas (HC), Sao Paulo, Brazil hôm 21.7. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế Brazil tình nguyện thử nghiệm vaccine COVID-19

Lê Thanh Hà LDO | 30/07/2020 16:14

Các nhân viên y tế tuyến đầu tại Brazil đã tình nguyện thử nghiệm một số ứng viên vaccine COVID-19 hứa hẹn nhất.

Theo AFP, nhiều nhân viên y tế tuyến đầu tại Brazil đã tham gia thử nghiệm vaccine COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong tại nước này đang cao thứ 2 thế giới, sau Mỹ.

"Tôi muốn đóng góp và đây là cống hiến của tôi thông qua khoa học. Tôi hành động vì niềm tin của chính mình", bác sĩ nhi khoa Monica Levi, 1 trong 5.000 tình nguyện viên ở Brazil giúp thử nghiệm ứng viên vaccine COVID-19 hứa hẹn nhất đến nay do đại học Oxford và công ty dược phẩm AstraZeneca phối hợp nghiên cứu phát triển, nói.

Bác sĩ Levi, 53 tuổi, hiện làm việc tại phòng khám chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng (Cedipi) ở Sao Paulo, tâm chấn của dịch COVID-19 ở Brazil, nơi có hơn 2,5 triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 90.000 người tử vong.

Trước đó, Brazil là quốc gia đầu tiên bước vào thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine CoronaVac của Trung Quốc, được phát triển bởi công ty dược phẩm Sinovac Biotech. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 liên quan đến thử nghiệm quy mô lớn trên người là bước cuối cùng trước khi vaccine được phê duyệt lưu hành.

"Họ chọn các nhân viên y tế vì chúng tôi là đối tượng liên tục gặp nhiều rủi ro", bác sĩ Levi nói và cho biết thêm, đây là lực lượng đóng vai trò chính trong việc thử nghiệm vaccine COVID-19.

Tình nguyện viên tham gia phải trong độ tuổi từ 18-55, làm công việc chăm sóc bệnh nhân và không có bệnh lý nền. Một nửa trong số này được tiêm thử nghiệm vaccine và số còn lại dùng giả dược. Tuy nhiên, họ sẽ chỉ có thể biết kết quả vào năm sau.

Bác Levi cho biết, bà đã được tiêm mũi đầu tiên hôm 21.7 và xuất hiện triệu chứng đau đầu, ớn lạnh ngay sau đó. Hiện bác sĩ thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và được các nhà nghiên cứu theo dõi chặt chẽ tình hình. "Tôi không rõ mình được tiêm vaccine hay giả dược", bác sĩ Levi chia sẻ.

Các nhà khoa học trên thế giới đang ráo riết chạy đua phát triển và thử nghiệm vaccine COVID-19 tiềm năng, trong bối cảnh đại dịch đã khiến hơn 17,2 triệu người trên thế giới lây nhiễm. Đến nay đã có hơn 150 dự án phát triển vaccine COVID-19 trên toàn cầu.

Một loại vaccine khác do đại học Oxford và công ty dược AstraZeneca phát triển cũng đang được thử nghiệm tại Brazil. Nếu thành công, Brazil sẽ nhận được 100 triệu liều vaccine  COVID-19 theo thỏa thuận riêng trước đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn