MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhật Bản không đơn độc trong cuộc chiến chống lừa đảo vaccine COVID-19. Ảnh: AFP.

Nhật Bản cảnh giác cao độ với các vụ lừa đảo tiêm vaccine COVID-19

Thanh Hà LDO | 27/02/2021 16:42
Nhật Bản đang tăng cường nỗ lực ngăn chặn những kẻ lợi dụng việc triển khai vaccine COVID-19 để lừa đảo, trong đó có tiến hành các bước chuẩn bị trước với nguy cơ có các cuộc gọi lừa đảo và email lừa đảo nhắm vào đối tượng người cao tuổi.

Đầu tháng 2, Cơ quan Các vấn đề Người tiêu dùng (CAA) của Nhật Bản đã thiết lập một đường dây nóng phục vụ riêng cho các câu hỏi về các vụ lừa đảo vaccine COVID-19. Cơ quan cảnh sát đô thị cũng đang phát tờ rơi cảnh báo những cuộc gọi đáng ngờ mạo danh công chức lừa người cao tuổi trả tiền để được tiêm chủng sớm, Japan Times thông tin.

Nhật Bản bắt đầu triển khai tiêm chủng từ tuần trước cho các đối tượng ưu tiên thuộc nhóm nhân viên y tế tuyến đầu, nhưng những gian lận liên quan đến vaccine đã xuất hiện vào tháng Giêng, theo một quan chức CAA giấu tên.

Hiện tại, gian lận liên quan đến vaccine ở Nhật Bản vẫn chưa thực sự phổ biến. Cho tới nay, CAA chỉ nhận được khoảng 10 khiếu nại về vấn đề này. Tuy nhiên, cơ quan này đã hành động rất nhanh chóng với việc thiết lập đường dây nóng, thể hiện mức độ cảnh giác bất thường trước dự án tiêm chủng quốc gia quy mô lớn.

“Chúng tôi quyết định hành động trước vì toàn bộ chương trình vaccine diễn ra trên toàn quốc và liên quan đến rất nhiều người” - quan chức CAA cho biết. Nguồn tin nói thêm rằng, cơ quan dự kiến ​​sẽ có sự gia tăng đột biến số vụ lừa đảo nhắm vào người cao tuổi khi chương trình tiêm chủng bắt đầu.

Tuần qua, Thủ tướng Suga Yoshihide thông báo, chính phủ Nhật Bản đang tìm cách bắt đầu tiêm chủng cho người lớn tuổi vào ngày 12.4. Do đó, mục tiêu trước tiên của đường dây nóng là đóng vai trò như biện pháp ngăn chặn những nỗ lực lừa gạt tiêm chủng, quan chức này cho biết.

Theo Trung tâm Các vấn đề Người tiêu dùng Quốc gia của Nhật Bản, lừa đảo tiêm chủng có thể thông qua các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn văn bản. Ví dụ cụ thể được trung tâm chỉ ra, một phụ nữ lớn tuổi đã nhận được điện thoại của người tự xưng là quan chức y tế công cộng chỉ dẫn và yêu cầu chuyển 100.000 yên vào tài khoản ngân hàng để được ưu tiên tiêm vaccine. Người gọi điện đảm bảo rằng người phụ nữ này sẽ được hoàn lại tiền sau khi tiêm chủng. Khi con gái người phụ nữ này gọi lại để xác nhận danh tính thì số điện thoại đã không liên lạc được.

Trong một trường hợp khác, một tin nhắn mang danh nghĩa một bộ trưởng nội các đã được gửi đến điện thoại của một người đàn ông Nhật Bản khoảng 30 tuổi mời nạn nhân truy cập một liên kết với cam kết giúp nạn nhân được hưởng ưu đãi trong chương trình tiêm chủng.

Các quan chức Nhật Bản nói rằng, bất kỳ cuộc gọi điện thoại hoặc email khuyến khích một người chuyển tiền để được đặc quyền về vaccine đều là lừa đảo.

Nhật Bản không hề đơn độc trong việc tăng cường các biện pháp chống lừa đảo vaccine.

Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) vào tháng 12 năm ngoái ra tuyên bố cảnh báo 194 quốc gia thành viên trên toàn thế giới “chuẩn bị cho các mạng lưới tội phạm có tổ chức nhắm mục tiêu vào vaccine COVID-19, cả vật lý và trực tuyến”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn