MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (trái) gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi, tháng 3.2022. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản

Nhật Bản củng cố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Thanh Hà LDO | 21/03/2023 07:59

Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio không chỉ nhằm "sửa chữa" khúc mắc ngoại giao mà được kỳ vọng là cuộc thảo luận chi tiết giữa lãnh đạo của G20 và G7 để mở đường cho khả năng đạt được tuyên bố chung của G20. 

Bối cảnh đáng chú ý

Thủ tướng Kishida Fumio thăm Ấn Độ từ ngày 19 đến 22.3 trong khuôn khổ thượng đỉnh song phương mà Ấn Độ và Nhật Bản tham gia từ năm 2006. Theo The Diplomat, chuyến thăm của ông Kishida được nhiều nhà phân tích coi là sự bù đắp cho việc Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa vắng mặt tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 do Ấn Độ đăng cai đầu tháng 3.2023. Sự vắng mặt này càng đáng chú ý hơn khi Ngoại trưởng Hayashi tham gia cuộc họp bộ trưởng Bộ Tứ và Đối thoại Raisina ngay hôm sau. Dù lý do là gì, việc bộ trưởng ngoại giao nước này vắng mặt đã gửi đi thông điệp rằng, với Nhật Bản, Bộ Tứ quan trọng hơn so với G20.

Năm nay, Ấn Độ là chủ tịch G20 trong khi Nhật Bản là chủ tịch G7. Do đó, cuộc gặp trực tiếp của 2 nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ được sử dụng để tham vấn về chương trình nghị sự của 2 diễn đàn. Những diễn biến tích cực trong quan hệ Australia - Ấn Độ, bao gồm việc ký kết quan hệ đối tác kinh tế toàn diện, thành lập các nhóm làm việc và các chuyến thăm thường xuyên của quan chức, bao gồm Thủ tướng Anthony Albanese, khiến ông Kishida cần trao đổi để hiểu về những dự định của Ấn Độ.

Nhật Bản, Ấn Độ và Australia là 3 trong số 4 thành viên của Bộ Tứ, nên tất cả các bên hợp tác song phương mạnh mẽ sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ, tạo thuận lợi cho chương trình nghị sự chiến lược. 

Thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Có hai vấn đề quan trọng để Nhật Bản và Ấn Độ tham vấn lần này là nền kinh tế số và các mối quan tâm về chuỗi cung ứng. Hai lĩnh vực này không chỉ có trong cả chương trình nghị sự song phương và Bộ Tứ mà còn có tầm quan trọng đặc biệt.

Trong nền kinh tế số, cuộc thảo luận phải xa hơn vấn đề song phương để bao gồm việc tích cực theo đuổi hợp tác với một quốc gia thứ ba. Về chuỗi cung ứng, Ấn Độ sẽ thúc đẩy dịch chuyển phần nào của các công ty Nhật Bản sang Ấn Độ theo sáng kiến “Trung Quốc+1” của Nhật Bản.

Ngoài ra, ông Kishida và ông Modi sẽ tìm cách thực hiện các cam kết được đưa ra trong thỏa thuận chung trước đó. Hợp tác quốc phòng và đường sắt cũng sẽ thu hút sự quan tâm. Cân nhắc đến sự ổn định của nền kinh tế Ấn Độ, đầu tư hơn nữa từ Nhật Bản vào các lĩnh vực công nghệ quan trọng mới, mà các nhóm công tác đã khám phá, cũng dự kiến được đưa ra thảo luận.

Nhật Bản có kế hoạch hội nhập Đông Bắc Ấn Độ với phần còn lại của Đông Nam Á theo chiến lược lớn hơn là “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Cho đến nay, chiến lược này được thể hiện trong đầu tư thông qua hoạt động hỗ trợ phát triển ở nước ngoài của Nhật Bản cho phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kết nối. Sự kết nối đã vượt ra ngoài vùng Đông Bắc Ấn Độ và bao gồm Bhutan, Nepal và Bangladesh. Hợp tác trên mặt trận này dự kiến được các nhà lãnh đạo xem xét, tập trung vào khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân việc Nhật Bản đưa ra cam kết thực chất hơn tại khu vực này.

Trong chuyến công du, Thủ tướng Kishida sẽ phác thảo chương trình nghị sự mới của Nhật Bản về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dự kiến mở rộng ra ngoài lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng. Trong trao đổi, vấn đề biến đổi khí hậu, mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng và các vấn đề y tế dự kiến được trao đổi và cam kết bởi những nội dung này nằm trong chương trình nghị sự lãnh đạo G20 của Ấn Độ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn