MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiến đấu cơ F-2 của Nhật Bản dự kiến về hưu vào khoảng 2035. Ảnh: AFP

Nhật Bản dự tính chi 40 tỉ USD mua chiến đấu cơ để bảo vệ đảo

Song Minh LDO | 08/07/2020 20:39
Để bảo vệ đảo tranh chấp với Trung Quốc, Nhật Bản sẽ đẩy nhanh các cuộc thảo luận cùng đồng minh để phát triển “chiến đấu cơ tương lai” mới.

Chiến cơ mới dự kiến sẽ thay thế máy bay tiêm kích F-2 - được Mitsubishi Heavy Industries và Lockheed Martin chế tạo nhưng dựa nhiều vào F-16 Fighting Falcon của quân đội Mỹ. Tiêm kích cuối cùng trong số 98 chiếc F-2 sẽ nghỉ hưu vào khoảng năm 2035.

Nhật Bản cũng đã cam kết mua 147 máy bay F-35 Lightning của Lockheed Martin, nhưng khẳng định việc phát triển máy bay chiến đấu mới nhất phải được dẫn dắt bởi các công ty trong nước với sự hợp tác của các nhà sản xuất nước ngoài, có thể từ Mỹ hoặc Anh.

Các quan chức quốc phòng muốn có một nguyên mẫu để thử nghiệm ngay sau năm 2024, và sản xuất hàng loạt bắt đầu từ năm 2031 - Đài Truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK đưa tin. 

Một danh sách các yêu cầu về chiến đấu cơ - sẽ được hoàn thiện trong tháng này - dự kiến ​​sẽ bao gồm khả năng tàng hình tiên tiến. Theo thời gian biểu mới, một nhà sản xuất trong nước sẽ được công bố trong năm nay, và một đối tác quốc tế được chọn trong vòng 12 tháng tới.

Theo Garren Mulloy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka, máy bay chiến đấu mới sẽ bổ sung cho F-35 - tiêm kích được chọn vì lý do chính trị nhưng cuối cùng không đáp ứng nhu cầu của Lực lượng Phòng vệ Không quân (ASDF).

“Vào tháng 10.2011, chính phủ đã công bố một lời giải thích dài và chi tiết về lý do tại sao họ chọn F-35 thay vì Typhoon, Rafael hay Super Hornet - tất cả đều đã hoạt động - trong khi F-35 vẫn còn ở giai đoạn đầu thử nghiệm” - ông Daito Bunka nói.

“Một trong những lý do chính đằng sau quyết định này là họ nghĩ rằng nó sẽ giúp phát triển ngành hàng không Nhật Bản, nhưng F-35 không phải là máy bay mà ASDF muốn. ASDF muốn có một máy bay tầm xa, hai động cơ, đặc biệt là có khả năng hoạt động trên mặt nước” - ông Bunka cho hay.

Các mối lo ngại của Nhật Bản tập trung vào không gian xung quanh các vùng lãnh thổ xa xôi, chủ yếu là các đảo ở tỉnh Okinawa mà Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. “Nhật Bản muốn có máy bay chiến đấu để bảo vệ những hòn đảo này và họ cần một máy bay đa năng” - ông Mulloy cho hay.

Những yêu cầu cụ thể nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp trong nước phải đi đầu trong việc thiết kế và phát triển máy bay. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng muốn phát triển các ngành công nghiệp quốc phòng và sẽ hy vọng tìm được thị trường xuất khẩu.

Mitsubishi Heavy đang đàm phán với Lockheed Martin, Northrup Grumman và Boeing của Mỹ, cũng như Aerospace của Anh và ba công ty khác có trụ sở tại Anh.

Trong khi đó, các công ty Mỹ dự kiến ​​sẽ nhấn mạnh khả năng tương tác giữa các hệ thống phòng thủ của Nhật Bản và Mỹ, một chiến thuật giúp Tokyo hướng tới việc lựa chọn F-35 thay vì Typhoon của Anh.

Các yếu tố cốt lõi của máy bay - bao gồm cả động cơ và thân máy bay - sẽ được các công ty Nhật Bản chế tạo. Các công ty nước ngoài có thể cung cấp công nghệ tàng hình tiên tiến và khả năng tác chiến điện tử.

Hợp đồng phát triển "chiến đấu cơ tương lai" của Nhật Bản ước tính trị giá 40 tỉ USD. Mỗi chiếc máy bay có thể có giá 185 triệu USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn