MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tên lửa mang theo tàu tiếp tế của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima, miền nam Nhật Bản, hồi năm 2019. Ảnh: Kyodo

Nhật Bản hướng đến vị thế cường quốc vũ trụ

Như Tâm LDO | 23/05/2022 15:26

Vũ trụ là lĩnh vực quan trọng trong hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc cũng hướng đến mục tiêu trở thành cường quốc không gian.

Nhật Bản từng bày tỏ hy vọng có thể đưa một phi hành gia nước này lên bề mặt Mặt trăng vào nửa cuối những năm 2020 theo Chương trình Artemis, chương trình nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Nhật Bản cũng có một chương trình vũ trụ mở rộng, chủ yếu tập trung vào phát triển các bệ phóng và thăm dò không gian. Tuy nhiên, Nhật Bản không có chương trình bay có người lái và phụ thuộc vào Nga, Mỹ để đưa phi hành gia lên không gian. Số công dân Nhật Bản đã thăm Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) còn nhiều hơn cả Nga và Mỹ.

Hợp tác vũ trụ khả năng cao sẽ được đề cập trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, theo hãng tin Kyodo. Tổng thống Biden tuần này thăm Nhật Bản, điểm dừng chân thứ hai trong chuyến thăm Châu Á đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida duyệt đội danh dự trong lễ đón tại Cung điện Akasaka, thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 23.5. Ảnh: AP

Tham vọng vũ trụ và đầu tư của Nhật Bản được Mỹ hoan nghênh trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng duy trì vị thế dẫn trước Trung Quốc trong không gian. Bắc Kinh dự kiến hoàn tất trạm không gian đầu tiên của mình vào cuối năm nay.

Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) năm ngoái nối lại tuyển dụng phi hành gia, lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, để “hồi sinh” đội ngũ phi hành gia đang dần quá tuổi.

Nhật Bản dự kiến giúp Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) xây dựng module môi trường sống cho dự án trạm không gian trên quỹ đạo Mặt trăng Gateway của Mỹ - sẽ được sử dụng đổ bộ Mặt trăng sau này.

Nhật Bản cũng đã xây dựng module thử nghiệm Kibo trên ISS và các sứ mệnh tiếp tế được đưa vào không gian bằng các tên lửa phóng hạng nặng của Tokyo.

Hoạt động không gian vũ trụ của Nhật Bản bị đình chỉ từ cuối Thế chiến II nhưng Tokyo vẫn “nuôi dưỡng” ngành thông qua các công ty lớn như Mitsubishi Heavy Industries (MHI) và Mitsubishi Electric.

Các tên lửa MHI phóng từ Trung tâm Không gian Tanegashima ngoài khơi đảo Kyushu đã đưa nhiều thiết bị lên không gian, trong đó có vệ tinh Michibiki hỗ trợ cho hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ ở châu Á.

Vụ phóng tên lửa H3 mới do MHI và JAXA phát triển hồi đầu năm nay bị trì hoãn vì động cơ trục trặc.

Hình mô phỏng tên lửa H3 do Nhật Bản phát triển. Ảnh: JAXA, MHI

Sự phát triển của ngành không gian tư nhân Mỹ, tập trung chủ yếu vào các công ty như SpaceX của Elon Musk, đã làm thay đổi thị trường dịch vụ phóng.

Nhật Bản còn đặt mục tiêu tạo môi trường phát triển cho các công ty khởi nghiệp không gian như công ty dọn mảnh vỡ vũ trụ Astroscale và Ispace - đơn vị đang phát triển tàu đổ bộ và thám hiểm không gian để khám phá Mặt trăng.

Tỉ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa đã trở thành hành khách tư nhân đầu tiên đến thăm ISS trong hơn một thập kỷ trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga hồi tháng 12.2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn