MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhật Bản đang thúc đẩy dự án của Kyushu Electric Power trong nỗ lực giảm nhập khẩu LNG từ Nga. Ảnh chụp màn hình Nikkei

Nhật Bản tìm mua LNG từ nhà máy công suất hơn 16 triệu tấn ở Mỹ

Thanh Hà LDO | 10/01/2024 13:06

Kyushu Electric Power của Nhật Bản đang xem xét đầu tư vào dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Lake Charles của công ty Engery Transfer của Mỹ để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định.

Thông tin này xác nhận báo cáo ngày 8.1 của Nikkei Asia về việc Kyushu Electric có thể thay mặt cho các doanh nghiệp năng lượng khác của Nhật Bản mua khoảng 10% cổ phần trong dự án Lake Charles và ký hợp đồng 20 năm, nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn mỗi năm.

“Đúng là chúng tôi đang xem xét khả năng tiếp nhận LNG từ các dự án LNG mới của Mỹ, trong đó có Lake Charles, như một nguồn mua LNG tiềm năng trong tương lai, cũng như tham gia cổ phần” - người phát ngôn của Kyushu Electric cho biết.

Tuy nhiên, công ty lưu ý, hiện chưa có gì được quyết định và sẽ có thêm các cuộc đàm phán trong tương lai.

Nikkei cho biết, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ động thái của Kyushu Electric thông qua các tổ chức được nhà nước hậu thuẫn như Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Tổ chức An ninh Năng lượng và Kim loại Nhật Bản (JOGMEC).

Theo hồ sơ gửi Bộ Năng lượng Mỹ (DOE), nhà điều hành đường ống dẫn khí và nhà phát triển LNG Energy Transfer đã yêu cầu giấy phép xuất khẩu mới, cấp tốc cho nhà máy Lake Charles LNG.

Trước đó, vào tháng 5.2023, Bộ Năng lượng Mỹ đã từ chối gia hạn 3 năm cho giấy phép trước đó của Energy Transfer.

Energy Transfer đã theo đuổi dự án Lake Charles LNG trị giá hàng tỉ USD từ năm 2012.

Công ty do tỉ phú Kelcy Warren kiểm soát có các thỏa thuận dài hạn để cung cấp 7,9 triệu tấn mỗi năm trong tổng công suất 16,45 triệu tấn mỗi năm của nhà máy.

Nhật Bản là nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới vào năm 2022 nhưng trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc là nước nhập khẩu LNG hàng đầu.

Theo Nikkei, chính phủ Nhật Bản đang xem xét hỗ trợ động thái của Kyushu Electric trong nỗ lực giảm nhập khẩu LNG từ Nga.

Các cuộc đàm phán diễn ra khi Nhật Bản đặt mục tiêu thay thế LNG từ dự án Sakhalin-2 ở vùng viễn đông của Nga. Các công ty điện lực Nhật Bản nhập khoảng 6 triệu tấn LNG mỗi năm từ Sakhalin-2.

Các hợp đồng dài hạn của Nhật Bản với Sakhalin-2 dự kiến hết hạn vào khoảng năm 2030. Việc đảm bảo nguồn LNG thay thế là ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản kể từ khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra. Việc tăng cường nhập khẩu LNG của Mỹ đang trở thành lựa chọn quan trọng để củng cố an ninh năng lượng của nước này.

Theo dữ liệu hải quan, Nhật Bản nhập khẩu hơn 5 triệu tấn LNG của Nga từ tháng 1 đến tháng 11.2023. Trong cùng kỳ, Nhật Bản nhập lượng LNG của Mỹ ở mức tương đương.

Sản lượng LNG của Mỹ lớn nhất thế giới trong năm 2023, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Rystad Energy. Sản lượng LNG của Mỹ tăng mạnh trong 2 năm qua được củng cố thêm nhờ châu Âu giảm nhập khí đốt Nga qua đường ống và chuyển sang sử dụng LNG của Mỹ và những nguồn khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn