MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình tàu Trung Quốc Tek Sing bị đắm. Ảnh: Global Times

Nhìn lại vụ đắm tàu được ví như "Titanic phương Đông"

Khánh Minh LDO | 25/08/2021 09:49
Con tàu Trung Quốc bị chìm từ thời nhà Thanh là tàu gỗ lớn nhất, được ví như "Titanic phương Đông", từng được phát hiện trong lịch sử khảo cổ học biển của Trung Quốc. 

Hoàn cầu Thời báo đưa tin, cuộc triển lãm về vụ đắm tàu ​​Tek Sing - xác một tàu buôn Trung Quốc bị chìm ngoài khơi Indonesia vào thời nhà Thanh (1644-1911) - đã khai mạc hôm 24.8 tại Bảo tàng Hàng hải Trung Quốc ở Thượng Hải.

Con tàu thường được gọi là "Titanic của phương Đông" vì nó là thuyền buồm bằng gỗ lớn nhất của Trung Quốc từng được phát hiện trong lịch sử khảo cổ học biển và do số lượng lớn các di vật nguyên vẹn được phát hiện tại địa điểm này.

Triển lãm gồm bốn phần, bao gồm hành trình diệt vong của  Tek Sing cách đây 200 năm, cách nó được các đội cứu hộ nước ngoài phát hiện và trục vớt, nỗ lực của giới doanh nhân Trung Quốc trả lại các di vật tìm thấy từ xác tàu cho Trung Quốc thông qua các cuộc đấu giá và các chương trình mua lại, và nghiên cứu hiện tại về con tàu đắm.

Là triển lãm quy mô lớn đầu tiên về tàu đắm Tek Sing ở Trung Quốc, triển lãm trưng bày hơn 400 đồ sứ, bao gồm bát, chén, đĩa và lọ men trắng xanh, men trắng và nâu xanh.

Vì đồ sứ đều được sản xuất tại các lò nung Đức Hoá nổi tiếng ở tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Trung Quốc, triển lãm cũng đi sâu vào lịch sử 1.000 năm của lò nung, nơi chủ yếu sản xuất đồ gốm để xuất khẩu.

Một chiếc bát có men xanh trắng. Ảnh: Global Times

Khi nói về tính chất độc đáo của con tàu đắm, Mao Min, người phụ trách bộ phận trưng bày của bảo tàng, cho biết, Tek Sing là thuyền buồm bằng gỗ lớn nhất của Trung Quốc từng được phát hiện trong lịch sử khảo cổ hàng hải và có số lượng di vật lớn nhất từng được phục hồi sau một vụ đắm tàu. Ông lưu ý, đây cũng là vụ đắm tàu ​​có số nạn nhân lớn nhất khi nói đến thuyền buồm bằng gỗ cổ.

Mao nói: "Những thuyền buồm bằng gỗ như Tek Sing là nhân chứng cuối cùng, cũng như một ví dụ thu nhỏ của Con đường Tơ lụa trên biển cổ đại của Trung Quốc. Vụ đắm tàu ​​Tek Sing cũng cho chúng ta cơ hội chiêm ngưỡng vẻ quyến rũ của những con tàu đi biển bằng gỗ cổ đại của Trung Quốc".

Đồ gốm sứ trong xác tàu đắm Tek Sing. Ảnh: Nauticalia

Mao nói thêm rằng, tin tức liên quan đến vụ chìm tàu ​​Tek Sing đã được ghi lại trên một số tờ báo nước ngoài như Calcutta Gazette và các cuốn sách ở nước ngoài vào thời điểm đó, giúp người dân ngày nay hiểu sâu hơn về lịch sử của con tàu.

Tàu Tek Sing, dài 50m và rộng 10m, khởi hành từ cảng Hạ Môn vào tháng 1 năm 1822, nhưng không may bị chìm sau khi va phải một tảng đá lớn gần Indonesia.

Theo ước tính, khoảng 1.600 hành khách và thủy thủ đoàn đã chìm cùng con tàu dưới đáy biển mãi mãi. Đến nay vẫn chưa thể giải thích được nguyên nhân bí ẩn khiến thuyền trưởng đột ngột thay đổi hướng đi so với lộ trình dự kiến ​​ban đầu.

Vào tháng 5.1999, nhà thám hiểm tàu ​​đắm Mike Hatcher phát hiện ra Tek Sing. Các hoạt động trục vớt sau đó đã thu được khoảng 350.000 mảnh sứ từ xác tàu. Số lượng khổng lồ di vật được phát hiện tại vụ đắm tàu ​​Tek Sing đã gây chấn động thế giới và sau đó được đấu giá khắp nơi, thường xuyên xuất hiện tại các cuộc đấu giá quy mô lớn.

Năm 2019, Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc tiếp nhận 195 đồ sứ cổ được thu hồi từ xác tàu Tek Sing. Ảnh: Xinhua/China Daily

Năm 2018, doanh nhân Trung Quốc Zheng Changlai đã mua 120.000 di vật từ một công ty của Anh và gửi những di vật văn hóa này về Trung Quốc. Năm 2020, Zheng tặng di vật cho bảo tàng, mở đường cho cuộc triển lãm về con tàu đắm trở thành hiện thực.

Hầu hết đồ sứ thu được từ xác tàu đắm được sản xuất trong các lò nung Đức Hoá ở tỉnh Phúc Kiến. Đức Hoá là một trung tâm sản xuất đồ sứ lớn, và hơn 180 địa điểm lò nung cổ có niên đại từ triều đại nhà Tống (960-1279) đến triều đại nhà Thanh đã được phát hiện trong khu vực cho đến nay.

Đồ gốm sứ, vàng trục vớt từ tàu Tek Sing. Ảnh chụp màn hình LIFE OF GUANGZHOU

Lấy câu chuyện về con tàu đắm làm điểm khởi đầu, triển lãm cũng giới thiệu sự phát triển của đồ sứ Đức Hoá - loại đồ sứ nổi tiếng đến nỗi nó thường bị các nhà sản xuất đồ sứ nước ngoài sao chép. Một lượng lớn đồ sứ này đã đến Châu Âu vào đầu thế kỷ 18 và cũng được xuất khẩu sang Nhật Bản với số lượng lớn.

Năm 2021, các lò nung của Đức Hoá đã được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO cùng với nhiều địa điểm khác gần Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, vì vai trò trong thương mại hàng hải cổ đại và trao đổi văn hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn