MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Còn nhiều điều chưa biết về bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: AFP

Những ẩn số về bệnh đậu mùa khỉ

Khánh Minh LDO | 01/06/2022 10:17

Chuyên gia hàng đầu về bệnh đậu mùa khỉ của Tổ chức Y tế Thế giới WHO không cho là đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện tại có thể biến thành đại dịch, nhưng thừa nhận rằng vẫn còn nhiều điều chưa biết về căn bệnh này, bao gồm cả cách lây lan chính xác và liệu việc dừng tiêm chủng vaccine đậu mùa từ nhiều thập kỷ trước có thể bằng cách nào đó làm tăng tốc độ lây lan của đậu mùa khỉ hay không.

Phương thức lây lan

Trong một phiên họp công khai hôm 30.5, tiến sĩ Rosamund Lewis - Giám đốc kỹ thuật về bệnh đậu mùa khỉ của Chương trình Y tế Khẩn cấp WHO - cho biết, điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng phần lớn các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở hàng chục quốc gia trên toàn cầu là người đồng tính nam, song tính hoặc nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Bà kêu gọi những người có nguy cơ phải cẩn thận, đồng thời thúc giục các nhà khoa học nghiên cứu thêm về vấn đề này, bởi đây là phương thức lây lan mà trước đó có thể ít được công nhận.

“Hiện tại, chúng tôi không lo ngại về đại dịch toàn cầu, nhưng chúng tôi lo ngại rằng các cá nhân có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc với nguy cơ cao nếu họ không có thông tin cần thiết để tự bảo vệ mình” - AP dẫn lời bà Lewis nói.

Tuần trước, WHO cho biết 23 quốc gia trước đây chưa từng mắc bệnh đậu mùa khỉ nay đã báo cáo hơn 250 trường hợp. Hôm 30.5, Vương quốc Anh công bố 71 ca mắc.

Theo bà Lewis, không rõ liệu bệnh đậu mùa khỉ có lây truyền qua đường tình dục hay chỉ là sự tiếp xúc gần giữa những người có các hành vi tình dục. Chuyên gia WHO cho rằng, mối đe dọa của bệnh đậu mùa khỉ đối với dân số nói chung là thấp. Bệnh đậu mùa khỉ được biết là sẽ lây lan khi có tiếp xúc thân thể gần gũi với người bị bệnh, quần áo hoặc ga trải giường.

Tuần trước, một cố vấn hàng đầu của WHO cho biết dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở Châu Âu, Mỹ, Israel, Australia và xa hơn nữa có thể liên quan đến quan hệ tình dục. Điều đó đánh dấu một sự khác biệt đáng kể so với mô hình lây lan điển hình của căn bệnh này ở miền Trung và miền Tây Châu Phi, nơi con người chủ yếu bị lây nhiễm bởi các loài động vật như động vật gặm nhấm và linh trưởng hoang dã.

Phần nổi của tảng băng chìm

WHO cảnh báo nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ vẫn chưa được chẩn đoán. Hàng trăm trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được chẩn đoán trong tháng qua trên khắp Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ, Israel, UAE và Australia có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” - Giám đốc Chuẩn bị và Phòng ngừa Dịch bệnh và Đại dịch của WHO, bà Sylvie Briand cảnh báo. Bà Briand cho rằng, có thể có nhiều trường hợp khác không được phát hiện trong cộng đồng, vì bệnh đậu mùa khỉ không biểu hiện ngay với các triệu chứng rõ rệt. Những người bị nhiễm ban đầu có triệu chứng giống cúm như sốt, đau nhức cơ và sưng hạch bạch huyết, sau đó phát ban giống thủy đậu trên mặt và cơ thể. Mặc dù cho đến nay chưa có cách chữa trị nào được biết đến, nhưng virus gây bệnh đậu mùa khỉ thường biến mất trong vòng hai đến bốn tuần.

Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được liệu dịch đậu mùa khỉ bùng phát ở các nước giàu, có thể bắt nguồn từ Châu Phi hay không, nhưng căn bệnh này vẫn tiếp tục khiến người dân trên lục địa này bị ốm. Hôm 30.5, chính quyền Congo cho biết 9 người đã chết vì bệnh đậu mùa khỉ trong năm nay. Theo Tiến sĩ Aime Alongo - Giám đốc Sở Y tế Sankuru ở Congo, với 465 trường hợp đã được xác nhận, Congo trở thành một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Tây và Trung Phi. Trong khi đó, các nhà chức trách Nigeria xác nhận trường hợp tử vong do bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trong năm nay, ngoài sáu trường hợp mắc bệnh khác.

Tiến sĩ Lewis cho hay, trong khi các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ trước đây ở miền Trung và Tây Phi đã được kiểm soát tương đối, nhưng vẫn chưa rõ liệu có thể lây bệnh đậu mùa khỉ mà không có triệu chứng, hay bệnh có thể lây qua đường không khí, như bệnh sởi hoặc COVID-19 hay không.

Bệnh đậu mùa khỉ có liên quan đến bệnh đậu mùa, nhưng có các triệu chứng nhẹ hơn. Sau khi bệnh đậu mùa được tuyên bố xóa sổ vào năm 1980, các quốc gia đã dừng các chương trình tiêm chủng hàng loạt, một động thái mà một số chuyên gia tin rằng có thể giúp bệnh đậu mùa khỉ lây lan hiện nay. Vaccine đậu mùa cũng có tác dụng bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, theo bà Lewis, cũng không chắc những người trước đây đã được tiêm vaccine đậu mùa có thể còn bao nhiêu khả năng miễn dịch, vì lần tiêm gần nhất cũng đã là hơn bốn thập kỷ trước.

Ưu tiên của WHO là ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ hiện nay trước khi căn bệnh này xâm nhập vào các khu vực mới. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn