MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 ở Hà Nội. Ảnh: SƠN TÙNG

Những cuộc họp báo “có một không hai”

Hà Liên LDO | 21/06/2019 12:00
Với phóng viên trẻ theo mảng đối ngoại chưa đầy 2 năm như tôi, việc được tác nghiệp tại một sự kiện quốc tế lớn như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 là sự kiện có ý nghĩa rất lớn, là cơ hội “chỉ một lần trong đời”. 

Hồi hộp với thượng đỉnh

Khác với các sự kiện lớn khác mà chúng tôi từng tác nghiệp như: Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018, chúng tôi chủ động trong việc nắm nội dung, lịch trình thì với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, mọi thông tin đều “mơ hồ”... 

Trước ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, mọi thông tin về địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vẫn chỉ là đồn đoán, với hai khả năng lớn nhất là Đà Nẵng và Hà Nội. Do đó, chúng tôi đều chuẩn bị tinh thần có thể phải di chuyển vào Đà Nẵng để tác nghiệp, thậm chí có thể là đúng hoặc ngay sau Tết cổ truyền không xa. 

Thông tin chính thức xác nhận hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội được công bố trong thông điệp liên bang của Tổng thống Mỹ Donald Trump tối thứ Ba ngày 5.2 (tức sáng thứ Tư, mùng 2 Tết theo giờ Việt Nam). Tòa soạn xôn xao. Tổng Biên tập trực tiếp gọi điện cho chúng tôi để hối thúc cập nhật thông tin. Kể từ thời điểm đó, thông tin về hội nghị thượng đỉnh chính thức được “bung” mạnh mẽ trên Lao Động. 

 “Ăn, ngủ cùng thượng đỉnh”

Từ trước khi thượng đỉnh chính thức bắt đầu, Trung tâm báo chí quốc tế (IMC) đặt tại Cung văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô (91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã sôi động từng giờ. Đúng “chính hội”, không khí tác nghiệp ở đây càng khẩn trương hơn. 

Đương nhiên, tôi còn bất ngờ bởi sự đa năng, tốc độ và sự “hoành tráng” trong đầu tư của các phóng viên quốc tế, đặc biệt là dàn phóng viên ảnh và phóng viên của các đài truyền hình. Có mặt tại Hà Nội cùng với các phóng viên của hãng tin từ Nhật Bản cũng như văn phòng ở Mỹ, Hàn Quốc từ sớm để đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, nam phóng viên ảnh người Nhật Bản dành thời gian đi qua tất cả các địa điểm “liên quan” tới hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên như: Trường mẫu giáo Việt - Triều Hữu nghị, quán cắt tóc kiểu Trump - Kim, các quầy hàng bán áo phông, cờ “ăn theo” hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên trên phố cổ… để cập nhật kịp thời về không khí “nóng” từng giờ ở Hà Nội. 

Ngày ông Donald Trump đáp máy bay xuống Nội Bài, ông Kim Jong-un đặt chân đến Đồng Đăng, Lạng Sơn và di chuyển về Hà Nội để dự hội nghị, sự bận rộn của anh còn lên nhiều lần khi di chuyển như con thoi giữa các địa điểm khách sạn 2 nhà lãnh đạo lưu trú và địa điểm diễn ra cuộc họp. Nhiều bữa, anh thừa nhận, không đủ thời gian cho việc ăn uống. 

Dàn phóng viên hùng hậu để lại ấn tượng nhất với phóng viên và người dân Việt Nam trong thượng đỉnh lần này, theo cá nhân tôi, là các đài truyền hình Hàn Quốc bởi quy mô và sự hoành tráng. Cuộc đua thông tin của phóng viên Hàn Quốc thực sự mạnh mẽ, và thành thật mà nói, đôi khi chúng tôi theo dõi các buổi tường thuật từ báo chí Hàn Quốc để cập nhật được diễn biến tình hình. 

Một điểm thú vị khác trong hành trình tác nghiệp là sự “tương thân tương ái” của phóng viên Việt Nam và quốc tế, bởi đôi khi chính phóng viên quốc tế lại trở thành nhân vật trong dòng thông tin ở Việt Nam về hội nghị và ngược lại. May mắn là tôi được ở trong cả 2 vai trò đó. 

Những cú “plot twist” (cú ngoặt) kịch tính

Đến giờ, sau hơn 3 tháng, tôi vẫn nhớ như in cảm xúc trong bữa trưa ngày 28.2, khi chúng tôi đang ngồi ăn trưa tại Trung tâm Báo chí, trong tâm thế sẵn sàng chờ đón một kết quả “hoan hỉ” - một tuyên bố Hà Nội về hòa bình - tuyên bố chung mà theo nhận định của giới chuyên gia chúng tôi phỏng vấn trước hội nghị là khả năng cao sẽ đạt được. 

Vừa ăn, những đồng nghiệp của tôi vừa trao đổi công việc. Họ nói rằng, những sự kiện như thế, hầu như mọi thứ đã được chuẩn bị xong, chỉ còn gặp gỡ và ký kết về hình thức. Nhưng thói quen vừa ăn trưa vừa “hóng” tin trên điện thoại, lần lượt từng người trong chúng tôi nhận được tin: “Không đạt được thỏa thuận chung rồi”… 

Các nhóm nhà báo trong nhà ăn xôn xao, điện thoại báo liên hồi về tin nhắn từ các nhóm tác nghiệp hội nghị thượng đỉnh. Dĩ nhiên, bữa ăn bị bỏ dở bởi tất cả các phóng viên đều mau chóng lao vào cập nhật tin tức về sự kiện đang được cả thế giới dõi theo này. 

Ít phút sau đó, đồng nghiệp của chúng tôi phụ trách đưa tin họp báo của Tổng thống Donald Trump tại một khách sạn lớn ở Hà Nội cũng thông báo đang cấp tốc làm thủ tục an ninh vì thời gian họp báo bị đẩy lên sớm tới 2 tiếng, vào lúc 14h, thay vì diễn ra vào 16h như lịch trình ban đầu. Sau cuộc họp báo chóng vánh, ông Donald Trump nhanh chóng về nước ngay buổi chiều, cũng sớm hơn lịch trình đã định. 

Khoảng 8h tối, khi chúng tôi, hoàn thành công việc cho số báo giấy ngày 1.3 cũng như các thông tin cho điện tử về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh và rời trung tâm báo chí. Thành thật mà nói, dù có phần thất vọng vì những cú xoay chuyển chóng mặt khác xa dự kiến ban đầu, có chút tiếc nuối vì lỡ cơ hội chứng kiến một thỏa thuận chung Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội, tôi cũng có chút mừng bởi đã kết thúc hành trình “ăn, ngủ, thậm chí nằm mơ cũng thấy thượng đỉnh” để “trở về với cuộc sống bình thường”. 

Nhưng, đúng là “đời không như mơ”, bởi đoàn Triều Tiên chưa hề lên tiếng và ngay đêm 28.2 rạng sáng 1.3, phái đoàn Triều Tiên tại Việt Nam tổ chức một cuộc họp báo lúc nửa đêm tại khách sạn Melia - nơi đoàn Triều Tiên lưu trú trong thời gian dự hội nghị thượng đỉnh. 

Tôi thức dậy vào lúc 6h sáng 1.3 bởi cuộc điện thoại từ một đồng nghiệp và nửa tỉnh nửa mơ biết được rằng, trong lúc say giấc nồng, bản thân đã để hụt mất một cuộc họp báo quan trọng. Lướt newfeed, một đồng nghiệp của báo khác đăng bài viết về cuộc họp kèm dòng chia sẻ rằng, may anh phóng viên ảnh đi “uống bia” gần Melia nên mới được vào họp báo của phái đoàn Triều Tiên lúc nửa đêm. Một lời nói đùa, nhưng đủ để cá nhân tôi hiểu rằng, bản thân đã vô cùng non nớt, không tính tới các phương án bởi rõ ràng, phái đoàn Triều Tiên vẫn đang lưu lại Hà Nội. 

Chỉ ít ngày sau sự kiện lớn này, tôi có chuyến công tác nước ngoài. Tại buổi tiếp đón đầu tiên, khi biết tôi đến từ Hà Nội, Việt Nam, giữa các phóng viên từ Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia…, đối tác chủ nhà đã chăm chú lắng nghe câu chuyện của tôi về hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim Jong-un và Donald Trump vừa diễn ra tại Hà Nội. Trong thâm tâm, tôi thực sự vui mừng với sự quan tâm đó. Đồng nghiệp người Thái Lan trong đoàn cũng nói rằng, thật tiếc bởi tòa soạn không cử cô đi tác nghiệp trong một sự kiện lớn như vậy ở Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn