MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP.

Những "điểm nghẽn" cần khơi thông tại thượng đỉnh Trump-Putin

Thanh Hà LDO | 16/07/2018 13:30
Trong hội nghị thượng đỉnh hôm 16.7, ông Donald Trump và Vladimir Putin có thể thảo luận về nhiều vấn đề như: Syria, Ukraina…

Cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Quan hệ Nga-Mỹ xấu đi bởi những cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và nghi ngờ nhóm tranh cử của ông Donald Trump hợp tác với điện Kremlin.

Nga phủ nhận bất kỳ sự can thiệp nào. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, trong cuộc họp ngày 16.7, ông Trump "sẽ làm rõ việc can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi là hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Mới đây, 12 điệp viên tình báo quân sự Nga bị truy tố vì xâm nhập máy tính của đảng Dân chủ Mỹ trong cuộc bầu cử.

Ukraina

Washington cáo buộc Mátxcơva hỗ trợ quân sự cho lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina. Nga phủ nhận.

Washington phản đối việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraina, lo ngại trầm trọng xung đột. Tuy nhiên, tháng 3.2018, Washington phê chuẩn thỏa thuận bán tên lửa chống tăng cho Kiev, khiến Mátxcơva lo ngại.

Syria

Các cuộc không kích Syria của Mỹ, đồng minh vào tháng 4.2017, tháng 4.2018 khiến Nga phẫn nộ.

Hồi tháng 2, Nga cho biết, một số công dân nước này bị sát hại trong các vụ đánh bom của liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến hành.

Vấn đề giải trừ vũ khí

Mỹ, Nga cáo buộc đối phương phá vỡ các thỏa thuận quốc tế về giải trừ vũ khí. Hồi tháng 3, ông Putin tuyên bố Nga phát triển những vũ khí "bất khả chiến bại" mới như tên lửa siêu thanh, tàu ngầm không người lái.

Trong tháng 2, Lầu Năm Góc kêu gọi sửa các kho vũ khí hạt nhân và phát triển vũ khí nguyên tử công suất thấp mới. Mátxcơva lên án chính sách hạt nhân mới của Mỹ là "hiếu chiến", "bài Nga".

NATO

Mátxcơva xem động thái tăng cường phòng thủ về phía đông của NATO là để bao vây Nga.

Nga cũng quan ngại các kế hoạch của NATO về một lá chắn tên lửa Châu Âu lắp đặt tại Romania và Ba Lan sẽ hoàn thành năm 2020.

Mới đây, ông Donald Trump hối thúc các đồng minh trong NATO chi nhiều hơn cho quốc phòng.

Thỏa thuận hạt nhân Iran

Quyết định đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran khiến cả Nga và phương Tây bất ngờ.

Nga cho biết, các nước Châu Âu cần phải "cùng nhau bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ" trong thỏa thuận này.

Triều Tiên

Nga có phản ứng tích cực với cuộc họp thượng đỉnh ngày 12.6 của ông Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau đó chia sẻ với hãng thông tấn RIA Novosti: "Chúng tôi rất hy vọng ông ấy (Trump) bắt đầu tiến trình giảm căng thẳng”.

Vụ cựu điệp viên bị hạ độc

Mỹ cùng nhiều quốc gia Châu Âu tham gia trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau vụ cựu điệp viên Nga bị hạ độc ở Anh. London cáo buộc Mátxcơva đứng sau vụ hạ độc, Nga phủ nhận.

Thương mại

Hồi đầu tháng 7, Nga tăng thuế nhập khẩu với một số mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, đáp lại việc Mỹ đánh thuế thép, nhôm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn