MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà lãnh đạo G7 tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Italy. Ảnh: G7italy.it

Những điểm nhấn của Hội nghị thượng đỉnh G7

Thanh Hà LDO | 15/06/2024 08:00

Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G7, ngày 13.6, giờ Italy, các nhà lãnh đạo đã nhất trí với thỏa thuận phác thảo về cung cấp khoản vay 50 tỉ USD cho Ukraina.

Thỏa thuận chính trị này là tâm điểm của ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh thường niên G7 ở miền nam Italy với sự tham dự năm thứ 2 liên tiếp của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, theo Reuters. Tổng thống Joe Biden gọi thỏa thuận nói trên là kết quả quan trọng.

Các chi tiết kỹ thuật về thỏa thuận này sẽ được hoàn thiện trong vài tuần tới, với số tiền dự kiến ​​đưa đến Kiev vào cuối năm nay. Các nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters, thỏa thuận này nhằm đảm bảo có hiệu lực trong nhiều năm bất kể lãnh đạo của các quốc gia thành viên G7 có thay đổi.
Trong khuôn khổ hội nghị G7, Tổng thống Ukraina Zelensky đã ký hiệp định an ninh dài hạn mới với Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi ký hiệp định an ninh 10 năm với Nhật Bản, trong đó Tokyo cam kết cung cấp cho Kiev 4,5 tỉ USD trong năm nay.

Trong dự thảo thông cáo công bố sau hội nghị thượng đỉnh G7, các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về tình hình ở biên giới Israel - Lebanon và ủng hộ những nỗ lực của Mỹ nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Ngoài ra, lãnh đạo G7 cũng kêu gọi Israel kiềm chế tấn công toàn diện vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza.

Trong bản tin khác, Reuters chỉ ra, trong khi vấn đề Ukraina chiếm ưu thế trong ngày đàm phán đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G7, Trung Quốc là nội dung trọng tâm trong cuộc trao đổi ngày 14.6. Theo đó, các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về năng lực công nghiệp dư thừa của Trung Quốc.

Ngày 11.6, EU tuyên bố áp thuế bổ sung lên tới 38,1% với ôtô điện nhập khẩu của Trung Quốc bắt đầu từ tháng 7. Tuy nhiên, theo Reuters, có sự khác biệt trong G7 về cách chống lại vấn đề trợ cấp của nhà nước Trung Quốc, trong đó châu Âu nỗ lực tránh cuộc chiến thương mại toàn diện với Bắc Kinh.

Sau Trung Quốc, trọng tâm khác trong chương trình nghị sự G7 ngày 14.6 là cuộc thảo luận của Giáo hoàng Francis về trí tuệ nhân tạo (AI). Cùng tham gia với Giáo hoàng trong cuộc thảo luận này còn có 10 nhà lãnh đạo khác, bao gồm cả Thủ tướng Ấn Độ và Nhà vua Jordan. Ngoài bài phát biểu về AI, Giáo hoàng có nhiều cuộc gặp song phương, bao gồm cuộc gặp với Tổng thống Biden, Tổng thống Zelensky và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên một giáo hoàng có mặt tại G7. Tôi tự hào rằng điều đó sẽ diễn ra trong nhiệm kỳ chủ tịch của Italy".

Các nhà lãnh đạo G7 và đối tác cũng sẽ thảo luận về vấn đề nhập cư, theo Reuters. Đây là một vấn đề quan trọng với Thủ tướng Meloni khi bà đang thúc đẩy châu Âu giúp hạn chế dòng người di cư bất hợp pháp từ châu Phi và đã đưa ra một kế hoạch hàng đầu nhằm thúc đẩy sự phát triển ở châu Phi nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của những cuộc di cư.

Nhiều nhà lãnh đạo G7 và đối tác rời Italy vào cuối ngày 14.6 với kết luận của hội nghị thượng đỉnh G7 được thông qua vào cuối ngày 14.6. Sang ngày 15.6, các hoạt động chính của hội nghị là những cuộc gặp song phương giữa các nhà lãnh đạo ở lại và sau đó là cuộc họp báo kết thúc hội nghị của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn