MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xét nghiệm COVID-19 ở Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Những điều khiến thế giới lo lắng nhất trong năm 2022

Song Minh LDO | 15/02/2022 15:33
Theo nghiên cứu mới nhất của Ipsos, COVID-19 đang đứng đầu danh sách những nỗi lo của thế giới trong năm 2022.

35% người được hỏi cho rằng, COVID-19 là một trong những vấn đề chính trị và xã hội lớn nhất mà đất nước họ phải đối mặt hiện nay.

Dữ liệu khảo sát của Ipsos được thực hiện ở 28 quốc gia trong khoảng thời gian từ ngày 23.12.2021 đến ngày 7.1.2022 nhằm phân tích những lo lắng của thế giới trong năm 2022.

Sau COVID-19, năm vấn đề chính trị và xã hội còn lại khiến công chúng lo lắng nhất vào tháng 1.2022 gồm: Nghèo đói và bất bình đẳng xã hội (31%), thất nghiệp (28%), tham nhũng tài chính và chính trị (27%), tội phạm và bạo lực (26%).

Biến thể Omicron đẩy COVID-19 trở lại đầu bảng

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã đẩy COVID-19 trở lại vị trí đầu bảng sau khi nó tụt xuống thứ ba trong danh sách khảo sát của Ipsos hồi tháng 11 năm ngoái. Hơn 35% người được hỏi nói rằng, đây là nỗi lo lắng lớn nhất của họ; tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn con số 50% có cùng quan điểm vào tháng 1.2021.

Các quốc gia đang lo lắng nhất về COVID-19 là Hàn Quốc (58%), Australia (51%), Malaysia (50%) và Canada (48%). Vị trí thứ năm được chia sẻ bởi Đức, Anh, Nhật Bản và Saudi Arabia (46%).

Các mối quan ngại khác

Theo khảo sát, Nga (53%) là quốc gia lo ngại nhất về đói nghèo và lo ngại thứ hai về bất bình đẳng xã hội. Trong khi đó, nghèo đói và bất bình đẳng là nỗi lo số một ở Brazil (43%).

Bão tuyết ở Washington D.C, Mỹ hồi tháng 1.2022. Ảnh: AFP

Biến đổi khí hậu hiện đứng thứ 9 trong số 18 vấn đề trong cuộc khảo sát của Ipsos, với 15% trong số 28 quốc gia được khảo sát cho biết, đây là một trong những thách thức quan trọng nhất mà đất nước họ phải đối mặt hiện nay. Vấn đề này đạt mức quan tâm cao nhất (17%) vào tháng 2.2020 và ở mức 15% hoặc 16% trong sáu tháng qua.

Các quốc gia đang lo ngại nhất về biến đổi khí hậu là Australia (32%), Canada (30%), Đức (28%), Anh (28%) và Mỹ (24%).

Đi đúng hướng?

Đáng kinh ngạc là 63% người dân ở 28 quốc gia được Ipsos khảo sát khẳng định, đất nước của họ đang đi sai hướng. Tuy nhiên, con số này đã thay đổi 2 điểm kể từ tháng trước theo hướng tích cực hơn.

Trong tháng thứ hai liên tiếp, Peru đứng đầu với 84% người được hỏi tin rằng, nước này đang đi sai hướng. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã ghi nhận triển vọng tích cực hơn, chẳng hạn như Chile (+15) và Hà Lan (+12), trong khi Mexico, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ đều tăng 6 điểm.

Rủi ro trong tương lai

Sự thiếu niềm tin chung vào tương lai đã được phản ánh trong Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong đó 89% số người được hỏi tin rằng, triển vọng ngắn hạn của thế giới sẽ "biến động, rạn nứt hoặc ngày càng thảm khốc".

Báo cáo cũng lưu ý rằng, “xói mòn liên kết xã hội”, “khủng hoảng sinh kế” và “suy giảm sức khỏe tâm thần” là 3 trong số 5 mối đe dọa hàng đầu đối với thế giới trong 2 năm tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn