MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên ngoài Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) tại Thành phố New York, Mỹ. Ảnh: AFP

Những hệ lụy khi Mỹ bị hạ xếp hạng tín dụng

Thanh Hà LDO | 04/08/2023 10:01

Trong giới tài chính, 3 chữ cái AAA của xếp hạng tín dụng giống như tiêu chuẩn vàng đảm bảo khoản đầu tư an toàn nhất có thể. Mỹ tự hào giữ xếp hạng này trong nhiều thập kỷ, phản ánh vị thế nền kinh tế lớn nhất và an toàn nhất của thế giới.

Lần hạ bậc thứ 2 trong lịch sử

Tuy nhiên, tuần này, Fitch Ratings hạ 1 bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ, từ AAA xuống AA+, để đáp lại cách Chính phủ Mỹ xử lý cuộc khủng hoảng nợ 2 tháng trước. Động thái này nhắc lại lần đầu tiên Mỹ bị hạ xếp hạng tín dụng năm 2011, do S&P thực hiện, cũng do bất đồng trong việc nâng trần nợ công tại Quốc hội Mỹ. Đến nay, S&P vẫn chưa khôi phục bậc AAA cho Mỹ.

Khi hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ, Fitch nhấn mạnh, động thái này nhằm phản ánh sự xói mòn trong khả năng quản trị của Mỹ, đồng thời cảnh báo về tình hình tài chính đang xấu đi của Mỹ.

Sau quyết định của Fitch, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen có phản ứng gay gắt, cho rằng xếp hạng này "rất vô căn cứ, dựa trên dữ liệu lỗi thời" trong khi Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm hơn 300 điểm. NPR chỉ ra, những dấu hiệu này chưa phải cuộc khủng hoảng thị trường nhưng điều đó không có nghĩa là việc Mỹ bị hạ cấp tín dụng không gây ra những tác động đáng kể.

Hệ thống xếp hạng tín dụng trên thế giới do 3 công ty lớn thống trị gồm: S&P Global Ratings, Moody's và Fitch Ratings. Dù có những khác biệt nhỏ, nhưng xếp hạng của 3 ông lớn này đều có cấp độ cao nhất là AAA và giảm dần theo thứ tự bảng chữ cái đến D - thường biểu thị cho vỡ nợ. Sau khi bị S&P (năm 2011) và Fitch Ratings (2023) hạ từ bậc AAA xuống AA+, hiện chỉ còn Moody’s là tổ chức xếp hạng tín dụng lớn duy nhất đánh giá Mỹ ở bậc AAA.

Sứt mẻ lòng tin của thị trường tài chính toàn cầu

Các cơ quan xếp hạng tín dụng có vai trò rất sâu sắc trong hệ thống tài chính toàn cầu và là phần quan trọng của thị trường trái phiếu trên toàn thế giới. Ví dụ, một công ty muốn bán nợ thường cần phải có 2 xếp hạng tín dụng từ những cơ quan xếp hạng.

Xếp hạng tín dụng quan trọng nhưng cũng là chủ quan, là đánh giá của một hãng và các hãng có thể có đánh giá khác nhau. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, rất nhiều trái phiếu thế chấp dưới chuẩn vỡ nợ nhưng lại được các cơ quan xếp hạng đánh giá cao, phơi bày những sai sót trong hệ thống.

Việc Mỹ mất xếp hạng tín dụng AAA xảy ra lần đầu năm 2011 và cách xử lý của Mỹ thời điểm đó được cho là chưa đủ tốt, NPR lưu ý thêm. Lần này, phản ứng được cho là hoà dịu hơn. Một lý do chính của điều này là nguyên nhân hạ xếp hạng tín dụng mà Fitch xác định - sự xuống cấp của nền tài chính quốc gia, gánh nặng nợ ngày càng tăng và "sự xói mòn trong quản trị" - là điều được nhận định rộng rãi từ trước.

Ngân hàng đầu tư hàng đầu Goldman Sachs tuyên bố ngày 2.8: "Việc hạ cấp không chứa thông tin tài chính mới", nhấn mạnh những dự đoán do Fitch đưa ra cũng tương tự như dự báo của ngân hàng này.

Goldman Sachs cho rằng, việc bị hạ xếp hạng tín dụng sẽ có ít tác động trực tiếp đến thị trường tài chính bởi ít có khả năng những bên nắm giữ phải bán trái phiếu kho bạc đi khi xếp hạng tín dụng thay đổi.

Dù vậy, việc mất xếp hạng AAA khiến Mỹ bị loại khỏi nhóm một số ít quốc gia duy trì xếp hạng hàng đầu từ cả 3 đơn vị xếp hạng uy tín nhất. Nhóm này gồm 9 quốc gia là Australia, Đan Mạch, Đức, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Singapore, Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn