MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hóa thạch vượn dạng người có thể tiết lộ nhiều điều, trong đó có bản chất của tổ tiên chung cuối cùng của loài người và vượn dạng người. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ.

Những hóa thạch thách thức hiểu biết về nguồn gốc loài người

Hải Anh LDO | 07/05/2021 17:20
Hầu hết các nhận định về nguồn gốc loài người không tương thích với các hóa thạch đã biết, theo đánh giá của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ.

Tranh luận không hồi kết

Trong 150 năm kể từ khi Charles Darwin suy đoán con người có nguồn gốc từ Châu Phi, số lượng loài trong cây phả hệ con người bùng nổ. Tuy nhiên, mức độ tranh cãi liên quan tới tiến hóa ban đầu của loài người cũng tăng theo.

Các hóa thạch vượn dạng người là trọng tâm của các cuộc tranh luận, với một số nhà khoa học bác bỏ tầm quan trọng của chúng với nguồn gốc của tông người (hominin) trong khi những nhà khoa học khác cho rằng các hóa thạch đó đóng vai trò trong tiến hóa.

Đánh giá công bố ngày 7.5 trên tạp chí Science xem xét những phát hiện chính về nguồn gốc hominin kể từ khi Darwin nghiên cứu và lập luận rằng hóa thạch vượn dạng người có thể thông báo cho chúng ta về các khía cạnh thiết yếu của vượn dạng người và sự tiến hóa loài người, bao gồm bản chất của tổ tiên chung cuối cùng của chúng ta.

Con người tách ra khỏi loài vượn dạng người - cụ thể là chi tinh tinh - vào một thời điểm nào đó trong khoảng 9,3 triệu đến 6,5 triệu năm trước, vào cuối thế Trung Tân (thế Miocene). Để hiểu nguồn gốc hominin, các nhà cổ nhân loại học nhắm tới tái dựng lại các đặc điểm thể chất, hành vi và môi trường của tổ tiên chung cuối cùng của con người và tinh tinh.

“Khi nhìn vào tường thuật về nguồn gốc hominin chỉ thấy là một mớ hỗn độn lớn, không có sự đồng thuận nào. Mọi người đang làm việc theo các mẫu hình hoàn toàn khác nhau, và đó là điều mà tôi không thấy xảy ra trong các lĩnh vực khoa học khác" - Sergio Almécija, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao thuộc Bộ phận Nhân loại học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, tác giả chính của bài đánh giá, cho biết.

Hai cách tiếp cận

Có hai cách tiếp cận chính để giải quyết vấn đề nguồn gốc loài người: "Từ trên xuống" - dựa trên việc phân tích các loài vượn dạng người, đặc biệt là tinh tinh; và "từ dưới lên" - đặt tầm quan trọng của hầu hết vượn dạng người đã tuyệt chủng lên cây phả hệ lớn hơn.

Ví dụ, một số nhà khoa học cho rằng hominin có nguồn gốc từ tổ tiên có phong cách vận động bằng 4 chi như tinh tinh, khỉ đột. Những người khác cho rằng tông người có nguồn gốc từ một tổ tiên gần giống hơn, ở một số đặc điểm, một số loài vượn dạng người kỳ lạ thế Trung Tân.

Khi xem xét các nghiên cứu xung quanh các cách tiếp cận phân tuyến này, Almécija và các đồng nghiệp có chuyên môn ở nhiều lĩnh vực đã thảo luận về những hạn chế của việc chỉ dựa vào một trong những cách tiếp cận đối lập này đối với vấn đề nguồn gốc hominin.

Các nghiên cứu "từ trên xuống" đôi khi bỏ qua thực tế rằng các loài vượn dạng người hiện nay (người, tinh tinh, khỉ đột, đười ươi và các loài lai) chỉ là những sinh vật sống sót của một nhóm lớn hơn nhiều, và hầu như đã tuyệt chủng. Mặt khác, các nghiên cứu dựa trên phương pháp "từ dưới lên" có xu hướng cho từng cá thể vượn dạng người hóa thạch một vai trò tiến hóa quan trọng phù hợp với một mô tả sẵn có.

"Trong "The Descent of Man" (tạm dịch: Dòng dõi loài người) năm 1871, Darwin suy đoán rằng con người có nguồn gốc từ Châu Phi từ một tổ tiên khác với bất kỳ loài sinh vật đang sống nào. Tuy nhiên, ông vẫn thận trọng do thiếu hóa thạch vào thời điểm đó.

150 năm sau, các hominin thích hợp, gần đến thời điểm phân kỳ giữa người và tinh tinh - đã được tìm thấy ở đông và trung Châu Phi, và thậm chí ở cả Châu Âu. Ngoài ra, hơn 50 chi vượn dạng người hóa thạch hiện được ghi nhận trên khắp Châu Phi và Á-Âu.

Tuy nhiên, nhiều hóa thạch trong số này cho thấy sự kết hợp các đặc điểm không phù hợp với kỳ vọng về các đại diện cổ đại của vượn dạng người hiện đại và tông người. Do đó, không có sự đồng thuận khoa học về vai trò tiến hóa của những vượn dạng người hóa thạch này" - Almécija nói.

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, hầu hết các câu chuyện về nguồn gốc loài người không tương thích với các hóa thạch mà chúng ta có ngày nay.

"Các loài vượn dạng người ngày nay là những loài chuyên biệt, sinh vật cổ còn sót lại của một nhóm lớn hơn nhiều các loài vượn dạng người hiện đã tuyệt chủng. Khi chúng ta xem xét tất cả các bằng chứng, tức cả vượn dạng người còn sống, vượn dạng người hóa thạch và hominin, rõ ràng là một câu chuyện tiến hóa của con người dựa trên một số loài vượn dạng người hiện còn sống là một bức tranh lớn hơn đang khuyết nhiều chỗ" - Ashley Hammond, trợ lý giám tuyển tại Bộ phận Nhân loại học của Bảo tàng Tự nhiên Mỹ, nhận định.

Kelsey Pugh - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, đồng tác giả nghiên cứu - cho biết thêm: "Những đặc điểm độc đáo và đôi khi bất ngờ cùng sự kết hợp các đặc điểm được quan sát thấy giữa các loài vượn dạng người hóa thạch, thường khác với các loài vượn ngày nay, là cần thiết để khám phá ra những đặc điểm hominin được thừa hưởng từ loài vượn dạng người tổ tiên và đặc điểm nào là độc nhất vô nhị cho tông người của chúng ta".

Các tác giả kết luận, chỉ vượn dạng người ngày nay không thể đủ bằng chứng để giải thích về tiến hóa loài người. Nói cách khác, hóa thạch vượn dạng người rất cần thiết trong tái tạo lại "điểm xuất phát" mà từ đó con người và tinh tinh tiến hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn