MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những hoài nghi xung quanh vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran

Hải Anh LDO | 01/12/2020 14:57
Các chuyên gia tình báo và an ninh hoài nghi thông tin nhà khoa học hạt nhân Iran bị ám sát bằng vũ khí điều khiển từ xa.

Vài ngày sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh, truyền thông nhà nước Iran đã có nhiều dị bản khác nhau về vụ ám sát diễn ra như thế nào. Trong đó có thể kể tới sự xuất hiện của các công nghệ hiện đại như: Ô tô chống đạn, súng máy điều khiển từ xa, phương tiện tự hủy...

Theo các chuyên gia tình báo và an ninh mà CNN phỏng vấn, những công nghệ này không ngoài tầm với nhưng điều họ nghi ngờ là một hoạt động nhạy cảm và cần độ chính xác như vụ ám sát lại được thực hiện từ xa. Ba chuyên gia cho rằng, vụ ám sát từ xa chắc chắn có những lợi thế riêng nhưng cách này rủi ro khi có khả năng có sai sót.

"Nói chung, nó (vũ khí điều khiển từ xa) là một thiết bị có thể hiệu quả trong một số trường hợp nhất định" - một chuyên gia an ninh Israel giấu tên nói. Trong đó, các sát thủ không cần đến quá gần mục tiêu mà vẫn đảm bảo đủ chính xác qua luyện tập nhiều.

Nếu vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh, một trong những nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, được thực hiện từ xa, từ một quốc gia khác hoặc từ một địa điểm cách xa vài km, sẽ vô cùng phức tạp với nhiều rủi ro xảy ra trước khi diệt được mục tiêu. Một quốc gia hoặc tác nhân sẽ phải buôn lậu công nghệ có giá trị, bao gồm rơ le liên lạc, máy thu vệ tinh và vũ khí có thể vận hành từ xa, các chuyên gia chỉ ra.

Để tránh bị phát hiện ngay, các thiết bị này có thể phải được nhập lậu từng phần, lắp ráp trong nội địa Iran. Trong suốt quá trình đó, thiết bị sẽ phải được cất giữ bí mật ở một nơi nào đó.

Hãng tin Fars News tuyên bố, một chiếc xe được sử dụng trong vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran đã phát nổ, vì vậy một số chất nổ được kích hoạt từ xa cũng sẽ phải được cất giữ an toàn.

Trong quá trình hoạt động, không một thiết bị nào trong số này được hỏng hóc vì sẽ không có người tại chỗ để sửa chữa. Lỗi liên lạc. Một khẩu súng bị kẹt. Một thiết bị tự hủy không phát nổ. Bất kỳ lỗi nào cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ vụ ám sát và các thiết bị công nghệ sẽ bị lực lượng an ninh Iran ngăn chặn.

"Tôi không nghĩ rằng (một khẩu súng điều khiển từ xa) đã được sử dụng ở đó. Tôi nghĩ rằng người Iran công bố điều đó để giảm thiểu quy mô của nhóm thực hiện vụ ám sát và quy mô thâm nhập vào đất nước của đơn vị tác chiến" - chuyên gia an ninh nói.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, ám sát từ xa "không phải là chuyện tưởng tượng, đó là một khả năng".

Công nghệ bắn vào mục tiêu từ một phương tiện điều khiển từ xa không phải là đặc biệt mới. Rafael, một công ty quốc phòng Israel chuyên về vũ khí, đã bán Hệ thống vũ khí từ xa Samson 30 cho hơn 25 quốc gia khác. Dù hệ thống này quá lớn để lắp vào một chiếc Nissan nhưng đây không phải là hệ thống duy nhất có mặt trên thị trường. Đức, Tây Ban Nha, Mỹ, Australia và những nước khác đều sản xuất các hệ thống tương tự.

Chuẩn tướng nghỉ hưu Nitzan Nuriel, cựu giám đốc cơ quan chống khủng bố của Israel, cho biết: "Đó là thứ mà chúng tôi có trong quân đội". Ông nhấn mạnh, việc sở hữu vũ khí có tính năng này không có nghĩa là Israel chịu trách nhiệm cho vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran.

Jack Watling, chuyên gia quốc phòng tại viện Royal United Service Institute, cho hay, công nghệ như vậy sẽ không hiệu quả đối với một cuộc tấn công chính xác nhằm vào một mục tiêu duy nhất. "Điều đó sẽ không hiệu quả trong trường hợp này" - ông nói. Ông giải thích, dù khả năng xác định mục tiêu bằng vũ khí tự động là "khả thi về mặt lý thuyết, nhưng nó có khả năng nhắm mục tiêu vào thứ mà bạn không muốn".

“Một vụ ám sát, khi nó được thực hiện, bạn muốn nó càng đáng tin cậy càng tốt. Có rất nhiều kế hoạch liên quan, rất nhiều thông tin tình báo để hiểu về việc di chuyển của phương tiện và khi nào họ có thể đến gần, nhưng trước đây họ đã thử dùng những phương pháp rất, rất đơn giản" - ông Watling nói.

“Luôn có rất nhiều âm mưu và suy đoán về những sự kiện này, và trừ khi vũ khí được trưng ra, thì tôi nghĩ, điều hợp lý là, chúng ta không nên tự động cho rằng vụ ám sát như mô tả (của truyền thông Iran)" - ông nói thêm.

Nhà báo quân sự Israel Yossi Melman, tác giả cuốn "Spies Against Armageddon" về lịch sử hoạt động gián điệp của Israel, đã bác bỏ những tình tiết về vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh của phía Iran. "Tôi đã ngừng tin vào các báo cáo từ các phương tiện truyền thông chính thức và bán chính thức ở Iran về bối cảnh quanh vụ ám sát Fakhrizadeh. Họ đang công bố các chi tiết khác nhau và thậm chí trái ngược nhau: Các sát thủ? Những người lái xe motor? Một ô tô gài thuốc nổ? Một khẩu súng máy tự động bắn?..." - ông viết trên Twitter.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn