MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tờ báo Nhật Bản điểm lại những khoảnh khắc bứt phá của Việt Nam trong năm 2020. Ảnh: AFP

Những khoảnh khắc bứt phá của Việt Nam năm 2020

Thanh Hà LDO | 14/02/2021 07:50
Tờ Nikkei của Nhật Bản nhận định, trước cơ hội cả thế hệ chỉ có một lần, Việt Nam đã có những lựa chọn đúng đắn.

Trong bối cảnh hệ thống y tế và nền kinh tế quốc tế chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19, năm 2020, Việt Nam thực hiện 3 thỏa thuận thương mại, thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, khai trương thêm hãng hàng không và từ vị trí thứ 7 vươn lên vị trí thứ 6 ở Đông Nam Á về thu nhập bình quân đầu người, Nikkei chỉ ra những điểm nhấn ấn tượng của Việt Nam trong năm 2020.

Tờ báo của Nhật Bản cho hay, sự khác biệt giữa nhịp sống ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới trong năm qua khá rõ ràng. Trong khi trên thế giới, nhiều nơi bị mắc kẹt bởi lệnh giãn cách xã hội kéo dài, hàng nghìn người tử vong mỗi ngày, các bệnh viện quá tải... thì ở Việt Nam, nhịp sống vẫn diễn ra như bình thường, người dân đi học, đến phòng tập thể dục, di chuyển máy bay đi công tác...

Sự tương phản này cũng xảy ra với nền kinh tế Việt Nam và thế giới. “Cần nhớ lại rằng khi dịch COVID-19 lần đầu xuất hiện, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức khác dự báo thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm. Việt Nam nằm trong số các quốc gia có nguy cơ cao nhất bởi xuất khẩu đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế" - Don Lam, giám đốc điều hành VinaCapital, nói.

Tuy nhiên, ông chỉ ra: "Thay vào đó, điều ngược lại đã trở thành sự thật. Sự cởi mở với thương mại quốc tế của Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng trong việc phục hồi kinh tế nhanh chóng".

Theo Nikkei, với việc hạn chế ngừa COVID-19 ở mức tối thiểu, các công ty ở Việt Nam phục hồi sớm hơn và giành lợi thế trong khu vực. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn đầu tư ở Việt Nam, nhờ kinh tế hồi phục và kiểm soát tốt dịch COVID-19.

"Nhờ kết quả hoạt động trên mặt trận sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã được trao cơ hội kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ" - tác giả bài viết nhận định.

Tổng cục Thống kê cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới, ở mức 2,9%, đặt mục tiêu 6,5% vào năm 2021.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng xem Việt Nam là một trong số ít điểm đến đầu tư triển vọng thời điểm hiện tại. Khảo sát của Euromonitor cho thấy, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ, được các nhà đầu tư sẵn sàng xem xét cho các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) cho năm 2021 dựa trên các tiêu chí về sản xuất công nghiệp và sử dụng công nghệ.

“Việt Nam có lẽ là thị trường duy nhất mà các nhà đầu tư có thể yên tâm thúc đẩy các thương vụ” - ông Trương Quang, đại diện cho YKVN, nhận định.

Năm 2020, Việt Nam đã tham gia 3 hiệp định thương mại. Trong tháng 11, Việt Nam tổ chức lễ ký kết trực tuyến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU), gọi tắt là Hiệp định EVFTA, cũng chính thức có hiệu lực vào tháng 8. Sau đó, vào tháng 12, Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Vương quốc Anh (UKVFTA) - một trong những thỏa thuận đầu tiên sau Brexit.

Nhờ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng đạt được dấu mốc đáng chú ý. Hồi tháng 10, báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ ra, GDP của Việt Nam vượt qua Singapore và Malaysia, lần đầu tiên đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 ở Đông Nam Á. Ngoài ra, trong năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận một số khoản đầu tư lớn, trong đó có từ Pegatron - nhà cung cấp cho Apple và Samsung và đầu tư từ LG Electronics...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn