MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sân vận động "Tổ chim" ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Những "kỳ quan thế giới" của thế kỷ 21

Nguyễn Quang (Theo kp.ru) LDO | 20/02/2023 18:57

Con người và thiên nhiên tạo ra những tác phẩm đáng kinh ngạc, được xem là "kỳ quan thế giới" của thế kỷ 21.

36 km sợi thép

Trung Quốc đã giành quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2008 tại Bắc Kinh và đã không tiếc tiền chuẩn bị cho sự kiện thể thao này.

Người ta quyết định gây ấn tượng đầu tiên với mọi người bằng một sân vận động hoành tráng, công trình kiến trúc bằng thép lớn nhất thế giới.

Khi tác phẩm này hoàn thành, mọi người đều nhận thấy đây quả là một kiệt tác thực sự, gợi nhớ đến một cái tổ chim.

Sân vận động được “bện” bằng 36 km sợi thép. Đây không chỉ mang yếu tố trang trí mà khung dây thép còn được thiết kế để giữ vững cấu trúc trong các trận động đất.

Sân vận động ở Bắc Kinh còn thực sự có lãi. Các nhà quản lý của "Tổ chim" đã cho thuê, cũng như thu phí vào cửa của khách du lịch, hằng năm mang lại khoảng 30 triệu USD.

Tựa như chiếc váy của Marilyn Monroe

Một trong những biểu tượng của thủ đô Baku của Azerbaijan là Trung tâm Văn hóa Heydar Aliyev được khai trương vào năm 2012.

Nó được thiết kế bởi Zaha Hadid nổi tiếng, nữ kiến trúc sư đầu tiên được trao giải Pritzker, tương tự như giải Nobel trong giới kiến trúc.

Trung tâm Văn hóa Heydar Aliyev được thắp sáng với hình ảnh quốc kỳ Trung Quốc để ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19, tại Baku, Azerbaijan, ngày 3.4.2020. Ảnh: Xinhua

Tòa nhà trắng như tuyết không có một đường thẳng nào. Các thành viên ban giám khảo giải thưởng thiết kế do Bảo tàng Thiết kế London sáng lập đã mô tả cấu trúc như sau: “Một tòa nhà đẹp đến nghẹt thở. Nó hồn nhiên, trong trắng và gợi cảm như chiếc váy tung bay trong gió của Marilyn Monroe”.

Các hướng dẫn viên du lịch của Baku cho rằng còn có một yếu tố bí mật trong dự án Hadid: Nếu đứng đối diện với Trung tâm Văn hóa tại một điểm nhất định, thì bóng nhấp nhô trên mái nhà của nó sẽ lặp lại chữ ký của Heydar Aliyev- cựu Tổng thống Azerbaijan.

Kiệt tác ngàn sao tỏa sáng

Các sheikh Arab ở UAE đã trích ra 1,5 tỉ USD từ doanh thu dầu khí của họ để xây dựng một bảo tàng nghệ thuật dưới cái tên khiêm tốn là Louvre vào năm 2017.

Để có quyền sử dụng thương hiệu này, bảo tàng nguyên mẫu nổi tiếng của Paris đã được trả tới 500 triệu USD. 

Khu liên hợp là một tòa nhà khổng lồ được dựng lên trên một hòn đảo nhân tạo với diện tích 24 nghìn mét vuông, được bao phủ bởi một mái vòm gồm 8.000 ngôi sao bằng thép và nhôm, tán xạ ánh sáng mặt trời để tạo ra hiệu ứng bóng của các cành cọ. 

Bảo tàng này thường xuyên thuê của Pháp và trưng bày các kiệt tác nghệ thuật, bao gồm các bức tranh của Leonardo da Vinci, Matisse, Van Gogh, Monet, Picasso và các danh họa bậc thầy khác. 

Hiện chưa có công trình nào cao hơn

Ở UAE còn có một kỳ quan hiện đại khác của thế giới. Tòa nhà chọc trời Burj Khalifa cao 828 mét, có 163 tầng và là tòa nhà cao nhất thế giới, ban đầu được gọi là Burj Dubai (Tháp Dubai).

Sau đó, tại lễ khai trương, nó đã được đổi tên: Người cai trị tiểu vương quốc Dubai đã dành tặng tên của tòa nhà khổng lồ cho Tổng thống UAE lúc bấy giờ, Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan.

Tháp Burj Khalifa. Ảnh: Xinhua

Trên thực tế, tòa nhà có 164 tầng, một tầng nằm dưới lòng đất. Nó được xây dựng trong 6 năm, có thời kỳ, mỗi ngày, có tới 12 nghìn công nhân làm việc tại công trường.

Có rất nhiều điều thú vị bên trong tòa tháp như nhà hàng cao nhất thế giới, đài phun nước mạnh nhất thế giới, thang máy nhanh nhất thế giới.

Trong tòa nhà Burj Khalifa thậm chí còn có máy tự động bán... vàng miếng. Khách tham quan có thể mua từ 2,5 đến 30 gram vàng.

Vượt qua vực sâu để đến với tri thức

Khách du lịch đến thủ đô của nước Pháp đều muốn chiêm ngưỡng tháp Eiffel và nhà thờ Đức Bà.

Ngoài ra, họ nhất định phải nhìn thấy cây cầu cao nhất thế giới - cầu cạn Millau. 

Cây cầu mới được đưa vào hoạt động, từ thung lũng sông Tar gần đó dẫn đến thị trấn Beziers, nơi có nhiều trường tư thục ưu tú, nơi những người giàu có ở Paris gửi con cái đến học.

Trước đây, xe cộ phải chịu cảnh tắc đường triền miên trên con đường đồi núi nên những người giàu có quyết định nắn thẳng con đường bằng chiếc cầu này. 

Chiếc cầu cạn này giữ ba kỷ lục thế giới - mố cầu cao nhất (244,96m), mố cầu có trụ tháp cao nhất (343m) và nền đường cao nhất (270m so với mặt đất).

Một công ty tư nhân đã chi 385 triệu Euro cho việc xây dựng cây cầu và nhận được quyền thu phí cầu đường trong 78 năm.

Sự lộng lẫy, tráng lệ của pha lê

Nước Nga có rất nhiều di tích tuyệt vời - cổ xưa và hiện đại. Trong số đó có những thứ đã từng bị biến mất, nhưng sau đó được phục hồi. Chẳng hạn như một ngôi đền - tượng đài để vinh danh Đức Mẹ Neopalimaia Kupina ở thành phố Dyatkovo thuộc vùng Bryansk.

Ngôi đền được xây dựng vào năm 1810 bởi các chủ xưởng địa phương dòng họ Maltsovs, những nhà sản xuất pha lê nổi tiếng, và bên trong được trang trí bằng những vật chưa từng thấy như chân nến pha lê, đèn chùm và bức tranh thánh bằng pha lê duy nhất trên thế giới. 

Trong những năm đầu của chính quyền Xô Viết, ngôi đền đã bị phá hủy. Chỉ còn một vài chi tiết trang trí còn sót lại nhưng cũng đủ để các nhà khoa học hiện đại khôi phục công thức pha lê Maltsov.

Người ta đã xây dựng một ngôi đền mới ở Dyatkovo, trang trí nội thất lặp lại chính xác nội thất của ngôi đền cũ.

Những người hành hương đến viếng thăm đã nói rằng, họ đã nhìn thấy một kỳ quan thực sự - vừa là một kỳ quan trần thế vừa mang tính nhiệm màu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn