MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đỗ Trạch Vũ cắt tóc cho 1 cảnh sát địa phương tại phòng họp sở cảnh sát. Ảnh: SCMP

Những nghĩa cử giữa dịch COVID-19 ở Trung Quốc

Bảo Châu LDO | 17/02/2020 17:31

Trong giai đoạn cả nước Trung Quốc đang chật vật để khống chế dịch bệnh COVID-19, nhiều người dân Trung Quốc đang tìm cách giúp đỡ mọi người chỉ từ những hành động nhỏ bằng kĩ năng công việc thường ngày.

Tại tỉnh Tứ Xuyên, thợ làm tóc Đỗ Trạch Vũ thường bận túi bụi ở cửa hiệu làm tóc vào dịp trước Tết Nguyên Đán. Nhưng hiện tại tất cả các cửa hiệu ở huyện Diêm Đình nơi ông sinh sống đều đã đóng cửa từ ngày 21.1, khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19.

Ông Đỗ nói: “Nhiều người trong chúng tôi rất lo lắng và muốn trở lại làm việc, nhưng cần phải đặt sức khoẻ và an toàn của khách hàng và của chính chúng tôi lên hàng đầu”.

Mặc dù vậy, ông Đỗ Trạch Vũ vẫn đang tiếp tục làm việc, ông cùng với 2 thợ làm tóc khác, đeo khẩu trang và mang đồ nghề tới sở cảnh sát địa phương để cắt tóc miễn phí cho 30 cảnh sát ở đây.

“Chúng tôi cắt tóc cho họ ở phòng họp và không có gương. Có thể chúng tôi cắt không quá đẹp, nhưng họ vẫn cảm ơn và hài lòng với kiểu đầu mới cắt”, ông Đỗ cho biết.

Ông Đỗ có ý định cắt tóc miễn phí cho tất cả những ai có nhu cầu, miễn là trong khu vực của họ chưa có trường hợp nào nhiễm COVID-19

Trong khi đó tại tỉnh Giang Tây, cô Liêu Tiểu Lan - một giáo viên môn khoa học 40 tuổi, đang mắc kẹt tại quê nhà xa xôi miền núi Vĩnh Phong khi về nghỉ Tết Nguyên Đán, theo thông tin từ Đài truyền hình Dư Hàng, Hàng Châu.

Cô Liêu Tiểu Lan đã tìm được 1 địa điểm gần nhà để dạy học trực tuyến cho học sinh bằng máy tính và cột thu sóng tự chế. Ảnh: SCMP 

Khi dịch bệnh diễn biến xấu hơn, chính quyền tỉnh Giang Tây và Chiết Giang nơi cô Liêu sống khuyến cáo người dân nên ở yên trong nhà. Cô không thể rời ngôi làng miền núi nhỏ bé nơi cha mẹ cô là những cư dân duy nhất và không có kết nối mạng.

Trường trung học cơ sở nơi cô Liêu làm việc ở quận Dư Hàng, tỉnh Hàng Châu đang chuẩn bị đón học sinh trở lại học tập, và đội ngũ giáo viên đã được thông báo một tuần trước là sẽ dạy học trực tuyến ở nhà. Do đó, cô Liêu quyết định sẽ làm việc mặc dù còn vướng vấn đề kĩ thuật để kết nối mạng. Cả gia đình cô mất cả một ngày để tìm được nơi có thể bắt sóng điện thoại tốt nhất quanh nhà. Sau đó, cô cùng với chồng đã tự thiết kế một thiết bị thu sóng từ ăng ten và thân tre.

Cô Liêu đã thành công trong việc khắc phục khó khăn để giảng bài cho các học sinh của mình. Hàng ngày, cô ngồi trên chiếc ghế tre và dùng máy tính kết nối với lớp học ảo sử dụng thiết bị thu sóng tự chế, dùng ghế làm bàn. “Mọi thứ vẫn đang diễn ra tốt đẹp như dự tính. Các học sinh đã có thể quay trở lại học tập. Tôi rất an tâm”, cô Liêu Tiểu Lan cho biết.

Nhiều những trường hợp khác rất sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ mọi người. 

Cô Thẩm Vi Hồng không hề lưỡng lự quyết định đi hiến máu sau khi đọc được thông báo cho biết nguồn cung cho ngân hàng máu đang dần cạn kiệt. Ảnh: SCMP 

Cô Thẩm Vi Hồng, 47 tuổi, làm việc ở cơ sở chăm sóc người già tại tỉnh Chiết Giang, không hề do dự khi nhìn thấy bản thông báo từ một ngân hàng máu cho biết nguồn cung máu đang dần cạn kiệt và cần được ủng hộ.

Người phụ nữ 47 tuổi đã cho máu lần cuối cùng từ 6 tháng trước, quyết định sẽ tiếp tục đi hiến máu sau khi đọc được thông báo. Cô cho biết, “tôi muốn cho máu ngay lập tức khi nhìn thấy bản thông báo đó. Tôi không kể với chồng mình về điều này, nếu không anh ấy sẽ lo lắng cho tôi. Anh ấy chắc chắn sẽ nói rằng tôi chưa đủ khoẻ mạnh trong giai đoạn khó khăn này”.

Cô Thẩm không phải là người mới đi hiến máu, đây là lần cho máu thứ 12 kể từ năm 2015. Cô khẳng định: “tôi chắc chắn sẽ tiếp tục đi hiến máu nếu họ thiếu người cho máu”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn