MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách thăm làng Hahoe ở Andong, Gyeongsangbuk-do, Hàn Quốc. Ảnh: Xinhua

Những người trẻ xa lánh xã hội - vấn đề ở khắp châu Á

Thanh Hà LDO | 15/04/2023 13:00
Mới đây, Hàn Quốc chi gần 500 USD/tháng để khuyến khích những thanh niên sống ẩn dật rời khỏi nhà - một vấn đề xã hội ngày càng tăng trên khắp châu Á. 

Những người xa lánh xã hội cố gắng hết sức để tránh tiếp xúc cá nhân và nhiều người sống trong sự cô lập tự áp đặt trong thời gian dài.

Chính phủ Hàn Quốc hi vọng sẽ giải quyết vấn đề đang gia tăng trên khắp châu Á bằng cách cung cấp cho những thanh niên sống ẩn dật này khoản trợ cấp hàng tháng nhằm khuyến khích họ rời khỏi nhà.

Theo chính sách mới của Hàn Quốc - những người từ 9 đến 24 tuổi mắc chứng “hikikomori” sẽ nhận được trợ cấp hàng tháng ở mức 650.000 won (490 USD). 

Hikikomori là thuật ngữ tiếng Nhật để mô tả tình trạng “rút lui khỏi xã hội một cách cực đoan”, theo tạp chí Fortune của Mỹ. Thuật ngữ này ra đời ở Nhật Bản vào đầu những năm 1980.

Khoản trợ cấp này có thể được những thanh niên sống khép kín sử dụng để tài trợ cho “chi phí sinh hoạt chung, đồ dùng học tập, trải nghiệm văn hóa và thậm chí cả các thủ thuật thẩm mỹ, như xóa sẹo”.

Khoảng 350.000 người Hàn Quốc từ 19 đến 39 tuổi được coi là bị cô lập và cô đơn, theo Viện Y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc.

“Thanh niên sống ẩn dật thường có hoàn cảnh khó khăn và 40% bắt đầu sống ẩn dật khi còn là thanh thiếu niên", theo The Guardian. 

Ngoài tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao là 7,2%, Hàn Quốc còn có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, điều này càng đe dọa hơn nữa tới năng suất lao động. 

Trong nỗ lực giải quyết vấn đề hikikomori, chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol hướng tới hỗ trợ những thanh niên xa lánh xã hội khôi phục cuộc sống hàng ngày và “tái hòa nhập xã hội”.

Theo Channel News Asia, đầu tháng 4, cuộc khảo sát của chính phủ Nhật Bản nhận thấy gần 1,5 triệu người trong độ tuổi lao động ở nước này mắc chứng hikikomori.

Giới chức ở Nhật Bản đã bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về vấn đề này trong thập kỷ qua, nhưng COVID-19 khiến tình hình tồi tệ hơn.

Trong số những người được khảo sát, hơn 1/5 cho rằng, đại dịch là yếu tố quan trọng trong lối sống lánh xa xã hội của họ.

Lý do để lánh xa xã hội nổi tiếng quy củ và tập trung vào công việc của Nhật Bản bao gồm thất nghiệp và trầm cảm, bắt nạt học đường và tại nơi làm việc.

Trong khi một số người xa lánh xã hội chỉ ra ngoài để mua đồ tạp hóa hoặc theo đuổi các sở thích, thì với những trường hợp cực đoan hơn, họ hiếm khi rời khỏi nhà, cuộc khảo sát lưu ý.

Hiện tượng này có thể được coi là phổ biến nhất ở Nhật Bản, nhưng số lượng những người hikikomori đang tăng trên khắp châu Á, trong đó có Singapore. Nghiên cứu gần đây nhận thấy, những cá nhân có yếu tố rủi ro hikikomori cao hơn có xu hướng rút lui khỏi xã hội cao hơn.

Tuy nhiên, hikikomori ở Singapore nhìn chung ít cực đoan hơn so với Nhật Bản hay Hàn Quốc, do các yếu tố xã hội và văn hóa như cha mẹ có nhu cầu “cung cấp cho con cái (ngay cả khi chúng mới lớn)”, nghiên cứu chỉ ra. 

“Ngoài ra, các cá nhân ở Singapore dưới 35 tuổi không được phép sở hữu bất kỳ nhà ở công cộng nào, dẫn đến việc hầu hết những người trẻ tuổi mặc định ở với cha mẹ của họ. Những cá nhân này thậm chí có thể ở chung phòng với anh chị em, và do đó không thể tránh tương tác trong gia đình” - nghiên cứu nêu rõ. 

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, những người có yếu tố rủi ro hikikomori cao ở Singapore “có thể đang kìm nén những biểu hiện cảm xúc của họ… để tỏ ra là người có chức năng trong xã hội. Với một xã hội tập thể như Singapore, đây có thể là cách để họ tuân thủ và không "nổi bật" giữa đám đông".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn