MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trong những vụ án nổi tiếng nhất trong lịch sử báo chí hiện đại về bảo vệ nguồn tin là vụ của nữ nhà báo Judith Miller, tờ New York Times năm 2005. Ảnh: Reuters

Những nhà báo chấp nhận vào tù để bảo vệ nguồn tin

Hà Liên LDO | 21/06/2017 12:30
Vụ bắt giam Judith Miller - nhà báo của tờ New York Times - năm 2005, là một trong những vụ án nổi tiếng nhất đồng thời là lời nhắc nhở cho việc bảo vệ nguồn tin của những người làm báo.

Chống lệnh tòa án, bảo vệ nguồn tin

Nhà báo làm việc trong thời gian dài thường xây dựng các mối quan hệ để có được thông tin cho các bài viết của mình. Các mối quan hệ này được xây dựng thông qua sự tin tưởng và hợp tác của các bên. Việc che giấu danh tính của nguồn tin vô cùng quan trọng bởi có một số câu chuyện sẽ không bao giờ được công bố nếu không có những người trực tiếp có liên quan tới sự việc. Tuy nhiên, những người trong cuộc có thể đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng khi đưa tin cho phóng viên: Mất việc, bị vướng vào các câu chuyện liên quan đến tội phạm, bị thương hoặc thậm chí là thiệt mạng.

Bảo vệ nguồn tin bằng mọi giá là nguyên tắc số một của người làm báo. Theo các thống kê ở Mỹ, những nhà báo bị kết án tù hoặc bị phạt tiền vì từ chối tiết lộ nguồn tin trong những năm gần đây đã tăng lên. Tờ Fox News năm 2013, cho biết có tất cả 30 vụ án lớn các phóng viên ở Mỹ bị kết án tù từ năm 1917 đến 2006 dựa trên cơ sở các mẫu báo cáo từ Ủy ban phóng viên về tự do báo chí (RCFP) và của Trung tâm Tu chính án đầu tiên.

RCFP, một tổ chức phi lợi nhuận đã thành lập từ năm 1970, đã tiến hành một thống kê về những phóng viên bị kết án tù từ thập niên 1970 đến năm 2006 và phát hiện có 41 vụ phóng viên bị phạt tiền hoặc bị kết án tù vì từ chối tiết lộ nguồn tin. Trong số đó, 21 vụ những người làm báo bị kết án tù tập trung phần lớn từ năm 1984 đến năm 2006, với tổng số 26 nhà báo, phóng viên, biên tập viên, blogger bị kết án. Bản án dài nhất là nhà báo Jim Taricani, bị kết án 6 tháng trong năm 2004. Cũng trong báo cáo này có khoảng 20 án phạt các nhà báo của Mỹ liên quan đến việc từ chối tiết lộ nguồn tin, với khoản tiền phạt cao nhất lên tới 5.000 USD mỗi ngày.

Trong khi đó, báo cáo tương tự do Gordon T.Belt - Quản lý thư viện Trung tâm Tu chính án đầu tiên cập nhật vào tháng 2.2010, thì từ vụ án nhà báo Mỹ đầu tiên bị kết án năm 1735 đến thời điểm cập nhật báo cáo, có tất cả 60 vụ. Báo cáo nêu rõ: “Kể từ khi Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra quyết định Branzburg v.Hayes (quyết định quan trọng của Tòa án Tối cao Mỹ về việc vô hiệu hóa việc sử dụng Tu chính án đầu tiên để bào chữa cho các phóng viên được triệu tập làm chứng) năm 1972, số lượng nhà báo bị kết tội chống đối tòa án đã tăng lên”.

Theo báo cáo của Trung tâm Tu chính án đầu tiên, năm 1735, John Peter Zenger, chủ báo nhập cư người Đức của tạp chí New York Weekly bị buộc tội phỉ báng vì những lời chỉ trích vô danh trên báo nhắm tới William Cosby, người đứng đầu chính quyền thuộc địa ở New York. Một số học giả cho rằng phiên tòa này chính là trường hợp đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Mỹ một nhà báo chống lệnh tòa án, không tiết lộ nguồn tin.

Nhà báo Jim Taricani (Đài truyền hình WJAR, bang Rhode Island, Mỹ) lĩnh án 6 tháng tù vì từ chối tiết lộ nguồn tin. Ảnh: Providence Journal

Việc tối quan trọng

Trong lịch sử báo chí Mỹ hiện đại, một trong những vụ nổi tiếng nhất về nhà báo chấp nhận vào tù để bảo vệ nguồn tin là vụ việc của nữ nhà báo Judith Miller (tờ New York Times) vào năm 2005. Nữ nhà báo Judith Miller là một trong 5 nhà báo nắm được thông tin nhưng chưa từng viết một bài báo nào về nữ nhân viên CIA Valerie Plame khẳng định sẽ không tiết lộ nguồn tin của mình dù bị ngồi tù. Và tòa án đã kết án Judith Miller ngồi tù 85 ngày.

“Nếu các nhà báo không thể cam kết bảo vệ bí mật nguồn tin thì các nhà báo không thể tác nghiệp được và sẽ không thể có tự do báo chí” - nhà báo Judith Miller nói trước tòa.

Bill Keller - Tổng Biên tập của tờ New York Times - nhận định: “Luật pháp đã buộc Judy vào tình thế lựa chọn giữa phản bội nguồn tin hoặc phải vào tù. Sự lựa chọn của cô ấy dũng cảm và có nguyên tắc. Nó phản ánh giá trị của lương tâm cá nhân” - ông nói.

“Judith Miller đã cam kết với nguồn tin của mình và cô ấy đang thực hiện điều đó” - Tổng Biên tập của tờ New York Times nhấn mạnh.

Trước vụ án nổi tiếng của nhà báo của New York Times, năm 2004, Jim Taricani, một phóng viên điều tra lâu năm của Đài truyền hình WJAR, một chi nhánh của đài NBC tại Providence, tiểu bang Rhode Island, cũng gây chú ý. “Khi tôi trở thành phóng viên cách đây 30 năm, tôi không bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ bị đưa ra tòa và phải ngồi tù chỉ vì tôi làm công việc của mình” - ông Jim Taricani chia sẻ.

Nhà báo kỳ cựu của WJAR đã từ chối tiết lộ nguồn tin đã cung cấp cho ông đoạn video của FBI liên quan tới việc một quan chức thành phố nhận hối lộ năm 2001. Tòa án đã tiến hành xét hỏi 14 nhân vật để tìm ra người cung cấp tin cho Jim Taricani cũng như yêu cầu ông tiết lộ nguồn tin của mình. Tòa quyết định phạt nhà báo kỳ cựu này mỗi ngày 1.000 USD khi ông từ chối. Đài WJAR giúp nhân viên của mình trả số tiền phạt lên tới 85.000 USD. Sau đó, vụ án chuyển thành án hình sự.

Nhà báo 55 tuổi từng giành 4 giải Emmys cho biết: “Tôi muốn có thể ghi hình tất cả các nguồn tin của mình, nhưng khi họ sợ hãi thì lời hứa bảo mật có thể là cách duy nhất để có được thông tin tới công chúng. Và trong một số trường hợp việc này còn để bảo vệ sự an toàn của nguồn tin. Tôi đã hứa với nguồn tin của mình và tôi sẽ giữ lời hứa đó”.

Cuối cùng, để bảo vệ nguồn tin của mình, nhà báo từng phải ghép tim năm 1996 đã chấp nhận bản án tù 6 tháng. Rất may mắn, sau 4 tháng ngồi tù, ông được trả tự do trước thời hạn. Khi được hỏi, ông Taricani nói: “Tôi không hối hận về quyết định của mình”.

Không chỉ ở Mỹ, nhà báo ở nhiều nước trên thế giới như Canada, Australia, Anh... cũng chấp nhận lĩnh án tù thay vì tiết lộ nguồn tin. Tháng 6.2007, hai nhà báo Michael Harvey và Gerard McManus của tờ Herald Sun, Melbourne, Australia đã bị phạt 7.000 USD vì từ chối tiết lộ nguồn tin trong một vụ án liên quan đến thông tin của liên bang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn