MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga tạm thời cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel để bình ổn thị trường trong nước. Ảnh: Xinhua

Những nước ảnh hưởng nặng nhất khi Nga cấm xuất khẩu xăng dầu

Ngọc Vân LDO | 28/09/2023 11:08

Nga tạm thời cấm xuất khẩu xăng dầu khiến nhiều nước phải tìm các nguồn cung thay thế.

Ngày 21.9.2023, Nga tuyên bố tạm thời cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng trong nước.

Mặc dù Nga đã nới lỏng một số hạn chế vào ngày 25.9, cho phép xuất khẩu nhiên liệu cho tàu chở hàng và dầu diesel có hàm lượng sulphur cao, tuyên bố này đã góp phần làm gián đoạn thêm thương mại toàn cầu vốn đã và đang tự điều chỉnh nhằm thích nghi với các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Mátxcơva.

Reuters dẫn lời các chuyên gia cho biết, thị trường nhiên liệu tại Nga đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bao gồm sự suy yếu của đồng rúp, các tuyến đường sắt và nhà máy lọc dầu không thể hoạt động hết công suất.

Thời gian qua, Nga đã có những động thái nhằm giải quyết tình trạng này vẫn buộc phải hạn chế xuất khẩu nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhiên liệu.

Nga là quốc gia xuất khẩu nhiên liệu bằng đường biển hàng đầu thế giới chỉ sau Mỹ. Quốc gia này đã vận chuyển trung bình 1,07 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày từ đầu năm 2023 cho đến ngày 25.9, chiếm hơn 13,1% tổng lượng dầu diesel vận chuyển bằng đường biển.

Nga cho biết, sẽ xuất khẩu nhiên liệu trở lại khi nguồn cung trên thị trường nội địa trở nên ổn định, tuy nhiên quốc gia này không đưa ra mốc thời gian chính xác.

Các chuyên gia cho rằng, lệnh cấm này có thể kéo dài nhiều tuần, 1 hoặc 2 tháng, thậm chí lâu hơn, tuỳ vào khả năng bổ sung nguồn dự trữ nhiên liệu của Nga.

Sau khi Liên minh châu Âu (EU) ban bố lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu từ Nga vì nước này tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina, Mátxcơva đã chuyển hướng xuất khẩu dầu và các nhiên liệu khác sang Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước tại Bắc và Tây Phi cũng như một số quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông.

Các quốc gia vùng Vịnh, nơi có các nhà máy lọc dầu lớn, thường tái xuất khẩu nhiên liệu. Dữ liệu cho thấy lệnh cấm của Nga sẽ làm thay đổi dòng chảy đó một lần nữa.

Nguồn cung dầu diesel từ các cảng của Nga đến Brazil đạt khoảng 4 triệu tấn trong năm tính đến ngày 25.9, so với 74.000 tấn trong cả năm 2022. Nhiên liệu của Nga đã thay thế việc nhập khẩu dầu diesel của Brazil từ Mỹ.

Các nguồn tin thị trường cho biết, lệnh cấm xuất khẩu dầu của Nga có thể buộc Brazil phải thay thế tới 400.000 tấn nhiên liệu mỗi tháng.

Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến hàng đầu cho nguồn cung dầu diesel từ các cảng của Nga sau lệnh cấm vận của EU, tổng cộng khoảng 7 triệu tấn kể từ khi lệnh cấm vận diễn ra bắt đầu từ năm nay, nhưng Ankara vẫn có thể mua dầu có hàm lượng lưu huỳnh cao của Nga.

Nhiều quốc gia khác cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm và đã có những động thái nhất định. Châu Phi dự kiến sẽ chuyển sang nguồn cung nhiên liệu từ Trung Đông, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh có thể sẽ chuyển sang khu vực Duyên hải Vịnh Mexico và Trung Đông.

Các quốc gia tại các nước thuộc khu vực Tây Bắc Âu, vốn đã mất thị phần ở Tây Phi vào Nga trong năm 2023, cũng có thể trở thành một trong các nguồn cung nhiên liệu tiềm năng.

Châu Âu đã tích cực tìm kiếm nguồn cung ở các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Đông. Việc cạnh tranh nguồn cung đang ngày càng trở nên gay gắt. Do đó các chuyên gia kỳ vọng rằng những nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ góp phần thúc đẩy việc xuất khẩu dầu diesel sang châu Âu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn