MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Síp (Cyprus) cấp hộ chiếu vàng cho người nước ngoài. Ảnh: Getty

Những nước nào vẫn cấp "hộ chiếu vàng" ở Châu Âu?

Ngọc Vân LDO | 26/08/2020 14:02
Hộ chiếu vàng theo các chương trình cấp quốc tịch theo dạng trả tiền vẫn tiếp tục phổ biến trên toàn Châu Âu, trong đó có Síp (Cyprus).

Theo một báo cáo mới của Global Witness - tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng quốc tế - kể từ mùa hè năm 2019, các chương trình đầu tư định cư - chi một khoản đầu tư để được cấp thị thực cư trú - đã được thực hiện ở 20 quốc gia thành viên EU.

Ba quốc gia - Malta, Síp (Cyprus) và Bulgaria - tiếp tục cấp "hộ chiếu vàng".

Tina Mlinaric, một nhà vận động tại Global Witness, cho biết: “Điều này khiến toàn bộ EU phải đối mặt với rủi ro rửa tiền, trốn thuế và tham nhũng đáng kể, cũng như đe dọa an ninh của khối".

Mlinaric nói với tờ Euractive: “Cũng có trường hợp những kế hoạch này được che đậy trong bí mật, vì vậy tác động của chúng chỉ được biết đến khi các vụ bê bối xuất hiện trên báo chí, có nghĩa là tính cấp thiết của vấn đề đang bị bỏ qua".

Global Witness kêu gọi Ủy ban Châu Âu đề xuất các quy tắc trên toàn EU để loại bỏ hộ chiếu vàng, đồng thời hành động chống lại các chính phủ có kế hoạch vi phạm luật của EU.

Ít tiến triển

Các nhà lập pháp Bulgaria đã giới thiệu một dự luật vào ngày 20.3 cho phép công dân nước ngoài có hộ chiếu Bulgaria với điều kiện nộp ít nhất 500.000 euro và tạo ra 20 công ăn việc làm mới. Dự luật này bất chấp kế hoạch được Bộ Tư pháp Bulgaria công bố hơn một năm trước để chấm dứt hoàn toàn chương trình hộ chiếu vàng của nước này.

Các nhà chức trách Malta cho đến nay không có thay đổi nào đối với chương trình hộ chiếu vàng, phớt lờ những lời kêu gọi từ Nghị viện Châu Âu và một nghiên cứu cho thấy phần lớn công dân Malta không đồng ý với chương trình này.

Theo báo cáo của Global Witness, chương trình hộ chiếu vàng của Malta hiện đang được xem xét, mặc dù báo cáo cho thấy “những thay đổi được đề xuất chỉ để làm đẹp”.

Bồ Đào Nha là một trong những quốc gia EU cấp nhiều visa vàng nhất, với hơn 22.000 giấy phép cư trú được bán kể từ năm 2012 và thu được 5 tỉ euro.

Sau khi có báo cáo rằng chính sách này góp phần làm tăng giá nhà và tiền thuê nhà cho người dân địa phương ở Lisbon và Porto, chính quyền đã hành động để đưa ra các hạn chế về địa lý.

Tuy nhiên, “các biện pháp được đề xuất thậm chí không cố gắng giải quyết trực tiếp các nguy cơ tham nhũng và rửa tiền” - phân tích cho thấy.

Hơn nữa, tháng 1 năm ngoái, Bồ Đào Nha đã giới thiệu một loại hình định cư đầu tư mới, một chương trình "thị thực xanh" nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo và các dự án môi trường khác.

“Điều này chỉ ra rằng Bồ Đào Nha không quan tâm đến những rủi ro cố hữu do chương trình thị thực vàng của họ gây ra” - báo cáo của Global Witness viết.

Nhiều nước Châu Âu có chính sách hộ chiếu vàng. Ảnh: Getty
Phản hồi hạn chế của EU

Cho đến nay, phản ứng từ Ủy ban Châu Âu chỉ giới hạn trong việc thành lập một nhóm chuyên gia có nhiệm vụ phát triển một bộ hướng dẫn và kiểm tra an ninh chung. Lần đầu tiên vào năm ngoái, lãnh đạo EU đã xác định các chương trình hộ chiếu vàng là một mối đe dọa "đáng kể" trong báo cáo định kỳ 6 tháng về rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Vào tháng 12 năm ngoái, Cao ủy tư pháp của EU Didier Reynders đã nói với Nghị viện Châu Âu rằng, mặc dù “trao quyền công dân là đặc quyền của các quốc gia thành viên”, song các quyền và điều kiện của quốc tịch Châu Âu “không nên bị lợi dụng bởi các kế hoạch đầu tư mạo hiểm của từng quốc gia thành viên”.

Ủy ban sẽ “đánh giá xem có cần phải có luật để đấu tranh chống lại việc lạm dụng hộ chiếu vàng hay không và liệu chúng tôi phải tiến hành các vụ kiện hay không” - ông Reynders nói thêm.

Văn phòng của Cao ủy EU Reynders cũng đã gửi thư tới Malta và Síp, và hiện đang phân tích các phản hồi.

Tuy nhiên Global Witness cho rằng phản ứng này quá yếu ớt. “Có một sự thiếu minh bạch đáng lo ngại đối với các thư từ của Ủy ban với Malta và Síp, cũng như về các hành động đang được thực hiện về vấn đề này một cách tổng quát hơn” - nhà vận động Mlinaric của Global Witness cho biết, và chỉ ra rằng các tài liệu do nhóm chuyên gia của Ủy ban cung cấp vẫn chưa được công bố công khai.

“Rất khó để nói các chương trình hộ chiếu vàng Châu Âu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến EU trong bao lâu. Tiền bẩn vẫn có thể tìm đường vào Châu Âu ngay cả khi một kế hoạch đã bị loại bỏ dần" - Mlinaric cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn