MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Di chỉ Shangjing triều đại nhà Liêu ở khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: VCG

Những phát hiện khảo cổ lớn nhất của Trung Quốc năm 2023

Song Minh LDO | 14/02/2024 12:30

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố 6 phát hiện khảo cổ đáng chú ý nhất trong năm 2023.

Di chỉ khảo cổ Mạnh Tây Hà ở thành phố Tư Dương, tỉnh Tứ Xuyên, có niên đại từ thời kỳ đồ đá cũ khoảng 60.000 đến 70.000 năm trước. Di chỉ này cung cấp bằng chứng mới giúp các chuyên gia hiểu rõ hơn về sự phức tạp của người nguyên thủy và truy tìm tổ tiên trực tiếp của người dân châu Á.

Ngoài ra, “việc phát hiện vô số công cụ bằng đá cũng cung cấp cho các nhà khảo cổ nhiều tài liệu hơn để tiến hành nghiên cứu về Thời đại Cổ sinh ở miền nam Trung Quốc” - Hoàn cầu Thời báo dẫn lời Giáo sư Wang Youping, Đại học Bắc Kinh cho biết.

Hai di chỉ thời kỳ đồ đá mới được phát hiện trong năm 2023 là di chỉ Khuất Gia Lĩnh ở thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc - nơi có dự án thủy lợi được biết đến sớm nhất của Trung Quốc từ 5.100 năm trước - và tàn tích Keqiutou 3.000 năm tuổi ở Bình Đàm, tỉnh Phúc Kiến - nơi được biết đến là nguồn gốc của người Nam Đảo.

Một di chỉ khảo cổ khác được phát hiện liên quan đến giáo phái Nestorianism, một nhánh của Cơ đốc giáo có nguồn gốc từ Syria ngày nay và được gọi là Cảnh giáo trong các tài liệu cổ của Trung Quốc, đã từng rất phổ biến ở nước này.

Cũng trong năm 2023, hơn 1.000 cổ vật đã được khai quật từ Nhà thờ Nestorian ở Turpan, Tân Cương. Theo hãng truyền thông địa phương Xinjiang Daily, tổng cộng có 186 mảnh tranh tường được khai quật tại địa điểm này, một số mảnh trong số đó được phủ bột vàng hoặc lá vàng.

Luo Jia, nhà khảo cổ học về tranh tường và tượng ở Trùng Khánh, nói với Hoàn cầu Thời báo: “Những mảnh tranh tường được khai quật ở Tân Cương có phong cách và kỹ thuật liên quan đến tranh tường Phật giáo. Khám phá này cho thấy sự học hỏi lẫn nhau giữa nhiều nền văn hóa kể từ thời cổ đại ở Tân Cương".

Hai phát hiện quan trọng khác bao gồm di chỉ Qingjian Zhaigou từ triều đại nhà Thương (1600-1046 trước Công nguyên) ở tỉnh Thiểm Tây và di chỉ Shangjing triều đại nhà Liêu, nằm ở khu tự trị Nội Mông. Di chỉ Qingjian Zhaigou được biết đến như một trung tâm chính trị quan trọng của nhà Thương còn di chỉ Shangjing từng là hoàng cung của nhà Liêu.

Bảy di chỉ khác cũng lọt vào danh sách sơ khảo, bao gồm nghĩa trang quý tộc nhà Thương ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam và tàn tích Thời đại đồ đồng ở tỉnh Thanh Hải.

Ngoài ra, di chỉ Hồ Bogoria thời đồ đá cổ ở Kenya cũng được chọn là địa điểm khảo cổ nước ngoài mới đáng chú ý vào năm 2023. Dự án xuyên quốc gia này do Viện Di tích và Khảo cổ Văn hóa tỉnh Hà Nam, Viện Nghiên cứu Khảo cổ Lạc Dương và Viện Khảo cổ học Lạc Dương phối hợp thực hiện với Bảo tàng Quốc gia Kenya.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn