MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu ngầm Seawolf của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Những tàu ngầm "quái vật" đang thống trị biển cả

Anh Vũ LDO | 25/11/2021 12:00
Luôn được cải tiến và phát triển, đó là bằng chứng cho thấy tàu ngầm là một bộ phận không thể thiếu của lực lượng hải quân các nước.

Tàu ngầm đã đóng một vai trò quan trọng trong Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, chúng cũng giữ một vai trò lớn trong hệ thống hải quân các nước. Dưới đây là danh sách những chiếc tàu ngầm mạnh mẽ nhất theo trang military-today.com.

5. Tàu Sierra của Nga

Đây là một dự án của Liên Xô cuối những năm 70 của thế kỷ 20, thuộc thế hệ tàu ngầm đa năng. Tàu được phát triển chú trọng đến khả năng tìm kiếm tàu địch, theo dõi và tiêu diệt nếu có lệnh. Nhờ sử dụng hợp kim titan cường độ cao, độ sâu khi lặn và từ trường của tàu đã được tối ưu hóa.

Cùng với thiết kế nhẹ, hai thân, tàu có tổng cộng sáu ngăn thông nhau dưới thân chính. Hệ thống cứu hộ thủy thủ đoàn cũng được tính đến - có một tàu thoát hiểm được thiết kế cho toàn bộ thủy thủ đoàn cùng một lúc. Bên cạnh đó, hệ thống cung cấp điện chính là một lò phản ứng nước điều áp có công suất 43.000 mã lực với bốn máy tạo hơi nước.

Tàu ngầm Sierra của Nga. Ảnh chụp màn hình.

Tổ hợp vũ khí của Sierra cho phép nó khai hỏa tại bất kể độ sâu nào với kho đạn bao gồm 40 ngư lôi và tên lửa, thậm chí cả đầu đạn hạt nhân cũng được phép sử dụng.

4. Tàu Yasen của Nga

Không giống như nhiều dự án khác, thiết kế của tàu này được gọi là một thân rưỡi. Các bộ phận phía trước và phía sau tàu được thiết kế nhẹ, trong khi khu vực tháp chỉ huy và cấu trúc thượng tầng được bảo vệ cực kỹ càng.

Ngư lôi trên tàu cũng không được đặt ở mũi thuyền như hầu hết các tàu ngầm chiến đấu khác mà được gắn ở hai bên. Phần thân được làm bằng thép có từ tính thấp, được bọc một lớp cao su đặc biệt có tác dụng giảm tiếng ồn và phản xạ của sóng âm từ các thiết bị định vị.

Tàu ngầm lớp Yasen của Nga. Ảnh: Hải quân Nga.

Con tàu này sử dụng lò phản ứng hạt nhân có khả năng hoạt động mà không cần sạc lại trong 30 năm, tương đương tuổi thọ của con tàu. Chất làm mát chính được đặt ngay trong chính lò phản ứng, giúp ngăn ngừa sự phơi nhiễm bức xạ của thủy thủ đoàn và giảm khả năng xảy ra nguy hiểm.

3. Tàu Astute của Vương quốc Anh

Ở vị trí thứ ba là một tàu ngầm lớn của Hải quân Hoàng gia Anh. Tàu Astute với quá trình phát triển bắt đầu vào năm 1991.

Tàu ngầm Astute của Anh. Ảnh: Hải quân Anh.

Với thiết kế một thân và một trục động cơ kiểu bơm, tàu Astute không gây tiếng ồn trong quá trình vận hành. Bên ngoài, tàu ngầm này được phủ một lớp chống âm thanh đặc biệt bao gồm 39 nghìn tấm vật liệu đặc biệt hấp thụ tín hiệu sóng âm. So với các phiên bản trước, phiên bản này của Astute phù hợp để hoạt động ở vùng nước ven biển và thậm chí cả ở vùng nước nông. Điều này cũng giúp con tàu có thể bắn chính xác các mục tiêu ở sâu trong đất liền.

Một lò phản ứng hạt nhân tiết chế nước có thể hoạt động trong 25 năm mà không cần sạc lại cùng hai tuabin hơi nước được sử dụng để cung cấp năng lượng cho con tàu. Với nguồn năng lượng này, tàu ngầm Astute có thể thực hiện tới 40 chuyến đi vòng quanh thế giới trong suốt thời gian phục vụ của mình.

Bên cạnh đó, một hệ thống tạo ôxy từ nước biển đã được lắp đặt để tăng khả năng tự chủ của tàu. Về vũ khí, có sáu ống phóng ngư lôi với tầm bắn tối đa của tên lửa là 1.600km cùng một đầu đạn có khối lượng 454kg luôn sẵn sàng được sử dụng gắn trên tàu.

2. Tàu Virginia, Mỹ

Tàu ngầm thế hệ thứ tư của Mỹ được thiết kế để hoạt động được ở cả những vị trí sâu lẫn ven biển. Bên cạnh bộ vũ khí tiêu chuẩn, tàu ngầm Virginia còn được trang bị các phương tiện do thám không người lái, bộ hỗ trợ thợ lặn siêu nhẹ và giá đỡ để lắp thêm thùng chứa hoặc tàu ngầm nhỏ.

Con tàu này được bắt đầu phát triển năm 1980 nhưng mãi đến năm 2004 mới được ra mắt. Ban đầu nó khá ồn ào khi sử dụng nên đã được bổ sung một lớp cách nhiệt và giảm rung động sau đó.

Tàu ngầm Virginia của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Đây là chiếc tàu ngầm đầu tiên trên thế giới không có kính tiềm vọng theo kiểu truyền thống. Thay vào đó, một camera  truyền tín hiệu đến màn hình hiển thị tại phòng chỉ huy qua cáp quang. Trên thân nó còn có các ăng ten liên lạc và thiết bị trinh sát điện tử cùng một cảm biến để quan sát ở chế độ hồng ngoại. Để phát hiện các bãi mìn dưới nước, các phương tiện tự động được sử dụng có thể hoạt động trong tối đa 18 giờ.

1. Tàu Seawolf của Mỹ

Ban đầu, chiếc tàu này được phát triển nhằm cạnh tranh với tàu ngầm lớp Shchuka-B của các kỹ sư quân sự Liên Xô. Chiếc tàu ngầm này đã được phát triển trong suốt 10 năm. Mô hình đầu tiên được đóng vào mùa thu năm 1989 và được hạ thủy vào mùa hè năm 1995.

Đây là một trong những tàu ngầm đầu tiên được thiết kế và phát triển bằng công nghệ máy tính. Khi phát triển dự án, người ta đặc biệt chú ý đến việc giảm đáng kể tiếng ồn khi di chuyển ở tốc độ thấp và sử dụng những vật liệu hợp lý cho vấn đề này.

Tàu ngầm Seawolf của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Con tàu này được trang bị tới 8 ống phóng ngư lôi với số lượng phóng lên tới 50 chiếc cùng lúc. Tên lửa và ngư lôi có khả năng đánh trúng mục tiêu dưới nước, trên mặt nước và trên mặt đất ở khoảng cách đáng kể. Bên cạnh đó, tàu Seawolf cũng có thể phóng đầu đạn hạt nhân nếu cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn