MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cột trụ khổng lồ của "Điện Pantheon dưới lòng đất" nhằm chống ngập lụt tại Nhật Bản. Ảnh: Wiki

Những thành phố Châu Á thành công trong việc chống ngập lụt cục bộ

Anh Vũ LDO | 31/05/2022 14:32
Tình hình ngập lụt tại Hà Nội và những đô thị, thành phố lớn luôn khiến các nhà chức trách và người dân đau đầu khi tìm cách giải quyết. Nhiều thành phố lớn tại các nước trong khu vực đã có những phương pháp đặc biệt và hiệu quả.

Không chỉ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mà nhiều thành phố lớn trong khu vực Châu Á như Kuala Lumpur, Singapore hay Tokyo cũng phải đối phó với tình hình lụt lội nghiêm trọng khi mùa mưa đến. Không phó mặc chuyện nắng mưa cho trời, các thành phố kể trên đã có những giải pháp chống ngập lụt đặc biệt, giúp cho người dân tại đây yên tâm sinh sống và làm việc mỗi khi mùa mưa lũ về.

Nhật Bản và các công trình chống ngập ngầm

Như nhiều thủ đô của các nước trên thế giới, thủ đô Tokyo của Nhật Bản cũng được hưởng lợi khi nằm gần sông lớn, đem lại sự thuận tiện trong giao thương và có nguồn nước cung cấp dồi dào cho cư dân tại đây. Tuy nhiên, các con sông lớn cũng đem lại nguy cơ ngập lụt cao cho thành phố này, nhất là sau khi tuyết tan hoặc mùa mưa về.

Để chống lại tình trạng ngập lụt luôn đe dọa cuộc sống và công việc của hàng triệu cư dân tại đây, chính phủ Nhật Bản đã quyết định xây kênh thoát nước ngầm ngoại vi đô thị, hay còn gọi là dự án G vào năm 1993. Dự án khổng lồ này mất tới 13 năm để hoàn thành với kinh phí 3 tỉ USD vào thời điểm đó. Công trình này còn được người dân Nhật Bản gọi bằng cái tên: Điện Pantheon dưới lòng đất vì sự đồ sộ của nó.

Các cột trụ khổng lồ của “Điện Pantheon dưới lòng đất” tại Nhật Bản. Ảnh: Wiki

Công trình thoát nước ngầm này thực chất là một bể chứa nước khổng lồ nằm sâu dưới mặt đất 50m. Nó được cấu thành từ 5 trụ chứa cao 75m, rộng 32m và được nối với nhau bằng đường ống dài 6,3km, đường kính 10m. Đường ống này dẫn đến một bể chứa nước khổng lồ cao 25m, dài 177m và rộng 78m, quy mô lớn hơn một sân bóng. Đây chính là nơi chứa nước mỗi mùa tuyết tan hay mùa mưa về để tránh ngập lụt trên bề mặt thành phố Tokyo.

Sau đó, lượng nước từ bể chứa ngầm này sẽ được bơm ra sông Endo bằng các máy bơm công suất lớn để tránh ngập lụt cho toàn thành phố. Nhờ có hệ thống "điện Pantheon dưới lòng đất", người dân Tokyo và các vùng lân cận đã không còn phải đối diện với nỗi lo ngập lụt trong nhiều năm qua.

Singapore và những hồ chứa nước quy mô lớn

Một quốc đảo khác trong khu vực Châu Á cũng phải đối mặt với tình hình ngập lụt nặng nề là Singapore. Bên cạnh việc chống ngập lụt, quốc đảo này còn phải đảm bảo nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt của hàng triệu người dân tại đây.

Vì lý do đó, Singapore đã triển khai xây dựng các hồ chứa nhằm dự trữ nước trên khắp đất nước để vừa có thể chống ngập, vừa sử dụng nguồn nước này để làm nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân. Tổng cộng, Singapore đã cho xây dựng 17 hồ chứa nước ngọt rải rác khắp đất nước, đem lại hiệu quả đáng kể trong việc chống ngập lụt cũng như dự trữ nước sinh hoạt.

Hồ và đập chắn nước Marina tại Singapore. Ảnh: Wiki

Đáng chú ý nhất trong hệ thống chống hồ chứa chống ngập lụt này là hồ và đập chắn nước Marina. Công trình này được xây dựng với tổng chi phí lên tới 135 triệu USD và là hồ chứa nước lớn nhất tại Singapore. Không chỉ có hồ chứa nước, công trình này còn đi kèm với đập chắn nước nhằm ngăn chặn nước biển xâm nhập, giúp dự trữ nước ngọt cho toàn thành phố.

Malaysia và đường hầm SMART “2 trong 1”

Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia có lợi thế lớn khi nằm gần nơi hợp lưu của 2 dòng sông lớn. Tuy vậy, bên cạnh những lợi ích mà vị trí địa lý này mang lại, người dân Kuala Lumpur cũng phải dở khóc dở cười mỗi khi mùa mưa lũ tràn về.

Vì vậy, chính quyền thành phố đã quyết định phải làm gì đó để giải quyết tình trạng ngập lụt tại đây và cho ra đời đường hầm SMART “2 trong 1”, đường hầm có một không hai vừa phục vụ giao thông vừa có thể trở thành đường thoát lũ mỗi khi mực nước tại đây dâng cao.

Trong điều kiện thời tiết bình thường, đường hầm sẽ được sử dụng như hầm đường bộ cho xe cộ lưu thông. Khi nước sông tràn bờ, đường hầm trở thành một kênh thoát lũ ngay bên dưới những con đường để tránh ngập lụt.

Lối vào đường hầm SMART “2 trong 1” tại Malaysia. Ảnh: Wiki

Hầm SMART dài 9,7km tại thủ đô Kuala Lumpur đã trở thành hầm đường bộ kết hợp thoát lũ đầu tiên trên thế giới, được xây dựng với chi phí khoảng 500 triệu USD. Từ khi đưa vào hoạt động, đường hầm này đã chứng tỏ tính hiệu quả của mình khi những trận ngập lụt nặng nề đã không còn xảy ra với người dân thủ đô Kuala Lumpur như trước kia. Vào năm 2011, Malaysia đã rất vinh dự khi đường hầm SMART đã nhận được Giải thưởng Danh dự của UN Habitat cho việc quản lý nước mưa và giao thông vào giờ cao điểm một cách sáng tạo và độc đáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn