MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu thám hiểm Curiosity của NASA phát hiện các vết nứt hình đa giác trên sao Hỏa, cho thấy hành tinh đỏ có điều kiện giống Trái đất cách đây 3,6 tỉ năm. Ảnh: NASA

Những vết nứt bất thường hé lộ quá khứ của sao Hỏa

Anh Vũ LDO | 22/08/2023 13:47

Những vết nứt hình đa giác trên sao Hỏa được cho là chìa khóa để tìm hiểu về quá khứ huyền bí của hành tinh đỏ.

Tàu thám hiểm Curiosity của NASA đã khám phá ra bằng chứng rằng, hành tinh đỏ từng trải qua những chu kỳ khí hậu tương tự như Trái đất, mở ra cánh cửa cho câu chuyện về khả năng sự sống cổ đại có tồn tại trên một thế giới xa lạ.

Trong nhiều thập kỷ, ý tưởng về việc sao Hỏa có thể là nơi sinh sống tiếp theo cho con người đã thôi thúc chúng ta. Mặc dù không phải là ngôi nhà lý tưởng cho loài người vì môi trường khắc nghiệt, nhưng tàu thám hiểm Curiosity đã tìm ra những dấu vết thay đổi cách chúng ta nhìn vào hành tinh đỏ.

Được trang bị những công nghệ hàng đầu, tàu tự hành Curiosity đã dành 11 năm lùng sục trên sao Hỏa để tìm kiếm dấu vết về sự sống. Vào năm 2021, nhiệm vụ này đã đạt được một bước quan trọng khi phát hiện mảng khe nứt hình đa giác bất thường trên địa hình của núi Sharp.

Đây được cho là bằng chứng đầu tiên cho thấy rằng, cách đây 3,6 tỉ năm, hành tinh đỏ cũng đã trải qua các chu kỳ khô ướt đều đặn, giống như các môi trường trên Trái đất.

Chu kỳ khô ướt, chìa khóa của sự sống

Theo các nhà khoa học, chu kỳ khô ướt tương tự như các mùa trên Trái đất có thể đã tồn tại trên Sao Hỏa hàng tỉ năm trước.

Những vết nứt bùn bất thường trên lòng hồ của một hồ nước cổ cho thấy, các chu kỳ này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra điều kiện cho sự sống tồn tại. Chúng tạo ra môi trường thuận lợi để các hợp chất hữu cơ như "polyme" dựa trên cacbon phát triển, mở ra cơ hội cho sự ra đời của sự sống.

William Rapin - một nhà khoa học hàng đầu tại Viện nghiên cứu vật lý thiên văn và hành tinh học của Pháp - khẳng định, đây là bằng chứng cụ thể đầu tiên cho thấy, khí hậu cổ xưa của sao Hỏa đã trải qua các chu kỳ khô ướt giống như Trái đất. Những vết nứt kỳ dị trong khu vực núi Sharp đã mang đến dấu vết quý giá về lịch sử của sao Hoả.

Mặc dù những phát hiện này đã đánh dấu một bước tiến quan trọng, nhưng nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp. Các chu kỳ khô ướt đã diễn ra như thế nào? Và tại sao chúng dừng lại?

Ashwin Vasavada - người đứng đầu Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA - nhấn mạnh rằng, phát hiện này mở ra hướng đi mới cho sự hiểu biết về sao Hoả. Mảng khe nứt hình đa giác không chỉ là một dấu vết bất thường. Đây là một lời nhắc nhở về quá khứ, hiện tại và tương lai của hành tinh đỏ.

Sự tò mò của con người và tinh thần khám phá đang mở ra những cánh cửa mới, đưa chúng ta gần hơn đến những bí ẩn của hành tinh láng giềng. Và việc tìm thấy những dấu vết về khả năng sự sống cổ đại trên Sao Hỏa đang khơi dậy niềm tin lạc quan về khả năng sự sống vẫn tồn tại giữa vũ trụ rộng lớn ngoài kia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn