MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Nỗ lực cứu vãn thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong-un

HẢI ANH LDO | 18/05/2018 09:41

Mỹ, Hàn Quốc cũng như cộng đồng quốc tế đã có những động thái tích cực để cứu vãn sau khi Triều Tiên tuyên bố cân nhắc lại việc tham gia thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump vào tháng 6 tới tại Singapore.

“Chúng ta sẽ chờ xem”

Hôm 16.5, Bình Nhưỡng đột ngột dọa rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Trong tuyên bố KCNA đăng tải, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Kim Kye-gwan cảnh báo: “Nếu Mỹ tìm cách dồn vào đường cùng để buộc chúng tôi đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ không quan tâm đến đối thoại nữa”. Ông cũng cho rằng, việc Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton so sánh, kêu gọi áp dụng mô hình phi hạt nhân hóa của Libya cho Triều Tiên là “hoàn toàn lố bịch”.

Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump nói rằng “chúng ta sẽ chờ xem” khi được hỏi về việc Bình Nhưỡng dọa hủy cuộc gặp của lãnh đạo Kim Jong-un. Ông cho biết, chính phủ Mỹ không nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về sự thay đổi trong kế hoạch gặp tại Singapore.

Theo AFP, các chuyên gia không bất ngờ trước biến đổi và va đụng trên hành trình tới thượng đỉnh Mỹ - Triều này, bởi những vấn đề khó khăn được bàn trong của cuộc họp sẽ dần rõ nét hơn.

Mỹ nhấn mạnh việc giải trừ “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” nhưng cho đến nay, Bình Nhưỡng chưa ra dấu hiệu gì ngoài cam kết phi hạt nhân hóa. Tuyên bố ngày 16.5 của Triều Tiên rõ ràng đã loại trừ động thái đơn phương giải trừ vũ khí hạt nhân như vậy.

Bình Nhưỡng “đã làm rõ trong nhiều dịp về điều kiện tiên quyết để phi hạt nhân hóa là chấm dứt chính sách thù địch chống Triều Tiên, các mối đe dọa hạt nhân và sự hăm dọa của Mỹ”- Thứ trưởng Kim Kye-gwan nói. Ông cũng bác bỏ đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về viện trợ kinh tế nếu Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

“Tuyên bố này nhắm vào ông John Bolton và đe dọa toàn bộ chiến lược của chính quyền. Hàm ý rằng, Triều Tiên không thay đổi chiến lược và sự dẫn dụ về kinh tế không thuyết phục được họ phi hạt nhân,” - ông Abraham Denmark - cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á - chia sẻ.

Chiến thuật thay đổi vị thế

Trước những diễn biến mới, Trung Quốc kêu gọi tiếp tục hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. “Tình hình trên bán đảo đã dịu đi, tín hiệu đáng để thúc đẩy,”- phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng nói.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng hối thúc Triều Tiên “thể hiện sự chân thành để đàm phán về phi hạt nhân hóa”. “Có những thăng, trầm cùng xuất hiện trong những tin tức gần đây về bán đảo, nhưng chúng ta không được đánh mất mục tiêu,”- Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh trong cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.

Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc (NSC) hôm 17.5 kêu gọi Triều Tiên thực hiện chính xác thỏa thuận phi hạt nhân hóa và hòa bình đạt được tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều. NSC cũng cam kết ủng hộ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên. “Các thành viên ủy ban thường trực quyết định phối hợp chặt chẽ ở các cấp giữa Hàn Quốc - Mỹ, Hàn Quốc - Triều Tiên thông qua các kênh khác nhau để hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ tổ chức thành công trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau,” - thông cáo của Nhà Xanh nêu rõ.

Đáp lại lo ngại của Triều Tiên, Mỹ - Hàn Quốc cho biết, tập trận quân sự Max Thunder (Thần Sấm) sẽ tiếp tục theo kế hoạch, nhưng các máy bay ném bom B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân không tham gia. Nhà Trắng cũng đã hạ thấp đề xuất của ông John Bolton về phi hạt nhân hóa Triều Tiên theo mô hình Libya.

Nhà Trắng cho biết, kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh tháng 6 tới đang tiếp tục. “Tổng thống đã sẵn sàng nếu cuộc gặp diễn ra. Và nếu không diễn ra, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch gây sức ép tối đa hiện tại.” - Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói.

Các nhà phân tích đánh giá, Bình Nhưỡng đang tìm cách xác định lại các điều khoản của cuộc đàm phán. “Đây là chiến thuật ngoại giao”, Kim Hyun-wook - Giáo sư Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc - nói và gọi đây là “chính sách “bên bờ vực chiến tranh” để thay đổi vị thế của Mỹ”.

“Có vẻ như ông Kim Jong-un đã bị đẩy vào thế chấp nhận các yêu cầu của Mỹ về phi hạt nhân hóa, nhưng đang cố gắng thay đổi vị thế sau khi bình thường hóa quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc và bảo đảm sự hỗ trợ kinh tế. Chính sách ngoại giao “đi dây” cổ điển của Triều Tiên giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu.” - Ông Kim Hyun-wook nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn