MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nội các từ chức hàng loạt, Thủ tướng Anh đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng

Khánh Minh LDO | 07/07/2022 07:19
Trong động thái gây sức ép đòi Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức, trong vòng 24 giờ qua, có tới 35 nghị sĩ Đảng Bảo thủ Anh, trong đó có tới 16 thứ-bộ trưởng đồng loạt ra đi.

Một số nghị sĩ không giữ chức trong chính phủ thì công bố các thư ngỏ yêu cầu thủ tướng ra đi, vì quyền lợi quốc gia và quyền lợi Đảng Bảo thủ.

Theo BBC, đến chiều 6.7, Thủ tướng Boris Johnson nói ông có ý định "tiếp tục giữ chức" dù gặp sức ép. Phát biểu trước một ủy ban của Hạ viện, ông Johnson nói không thể ra đi vì những thách thức mà Vương quốc Anh phải đối mặt. Ông nói: "Tôi nhìn vào cuộc chiến lớn nhất ở Châu Âu trong 80 năm và tôi thật vô trách nhiệm nếu ra đi”.

Sự lãnh đạo của ông Johnson đã sa lầy vào các tranh cãi vài tháng qua. Ông đã bị cảnh sát phạt vì vi phạm luật hạn chế trong thời gian dịch COVID-19. Trong tranh cãi mới nhất, ông Johnson phải xin lỗi vì đã bổ nhiệm một nhà lập pháp vào một vị trí, ngay cả sau khi được thông báo rằng chính trị gia này là đối tượng bị khiếu nại về hành vi sai trái tình dục.

Bộ trưởng chuyên trách nhà cửa Michael Gove là bộ trưởng mới nhất yêu cầu thủ tướng ra đi. Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Kwasi Kwarteng cũng nêu ý kiến trong nội bộ Đảng Bảo thủ rằng, ông Johnson không thể giữ chức được nữa.

Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế của Anh đã từ chức hôm 5.7, mà theo giới quan sát có thể báo hiệu sự kết thúc cho nhiệm kỳ thủ tướng của ông Johnson.

Cho tới chiều tối 6.7, tới 20% nhân sự cao cấp của chính phủ Anh đã từ nhiệm, đặt ra câu hỏi liệu ông Johnson có thể điều hành được nội các như trước không.

Không chỉ đối mặt với sức ép từ chức, Thủ tướng Anh Johnson còn chịu áp lực từ yêu cầu trưng cầu dân ý độc lập của Scotland - điều mà ông từ chối. Yêu cầu của Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý có ràng buộc pháp lý về việc rời Vương quốc Anh bị ông Johnson bác bỏ hôm 6.7. RT dẫn lời ông Johnson nói rằng, chi phí gia tăng, COVID-19 và sự hỗ trợ của Anh cho Ukraina là những vấn đề quan trọng hơn.

Tháng trước, Thủ hiến Sturgeon thông báo, một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai sẽ được tổ chức vào tháng 10.2023, chín năm sau khi cử tri Scotland chọn vẫn là thành viên của Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, nếu không có sự chuyển giao quyền lực tạm thời từ London sang Holyrood, thì cuộc trưng cầu dân ý sẽ chỉ mang tính biểu tượng, và ông Johnson đã từ chối trao cho bà Sturgeon sự chuyển giao quan trọng này.

Thủ tướng Johnson viết trong bức thư gửi bà Sturgeon: “Tôi không thể đồng ý rằng bây giờ là lúc để quay lại một câu hỏi đã được người dân Scotland trả lời rõ ràng vào năm 2014. Thay vào đó, Scotland và phần còn lại của Vương quốc Anh nên tập trung vào các ưu tiên chung như ứng phó với lạm phát, phục hồi sau đại dịch COVID-19 và đóng vai trò hàng đầu trong phản ứng quốc tế đối với cuộc xung đột Nga-Ukraina”.

Bài đăng của bà Sturgeon trên Twitter về bức thư của ông Johsnon. Ảnh chụp màn hình

Trong một bài đăng trên Twitter, bà Sturgeon mô tả bức thư của ông Johnson có thể là "một trong những hành động cuối cùng của ông với tư cách thủ tướng", ám chỉ đến những lời kêu gọi ông từ chức sau khi hàng chục bộ trưởng ra đi.

“Nói rõ hơn, Scotland sẽ có cơ hội lựa chọn nền độc lập - tôi hy vọng vào một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 19.10.2023, nhưng nếu không, sẽ thông qua một cuộc tổng tuyển cử” - bà Sturgeon viết trên Twitter.

Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, 55% người dân Scotland đã bỏ phiếu ở lại Vương quốc Anh. Hai năm sau, cử tri Scotland áp đảo chọn ở lại EU. Bà Sturgeon hứa cuối cùng sẽ đưa Scotland trở lại EU nếu Scotland đạt được độc lập. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy đa số ủng hộ động thái này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn