MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 60 tại khách sạn Bayerischer Hof ở Munich, miền nam nước Đức ngày 17.2. Ảnh: AFP

Nỗi lo "cùng thua" phủ bóng Hội nghị An ninh Munich

Thanh Hà LDO | 20/02/2024 08:10

Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 60 bế mạc ngày 18.2 sau 3 ngày thảo luận về các thách thức an ninh, trong đó các nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ quan ngại và lo lắng về những rủi ro địa chính trị.

Theo Tân Hoa Xã, ban tổ chức Hội nghị An ninh Munich nhấn mạnh, "nguy cơ thực sự là ngày càng có nhiều quốc gia rơi vào tình thế cùng thua (lose-lose)".

Phát biểu tại hội nghị ngày 16.2, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết, cộng đồng toàn cầu đang trong thế phân mảnh và chia rẽ nhất trong vòng 75 năm qua.

Đối mặt với những thách thức khu vực, trong đó có cuộc khủng hoảng Ukraina và xung đột Gaza, các đại biểu tham dự hội nghị đang tìm kiếm một "điểm sáng" trong bối cảnh tình hình toàn cầu hiện nay.

Ngày càng có nhiều đại diện từ Nhóm các nước phương Nam (Global South) được mời tham dự Hội nghị An ninh Munich trong những năm gần đây. Những nước này bày tỏ quan điểm về cải cách trật tự toàn cầu. Trong hội nghị, Thủ tướng Barbados Mia Mottley cho biết: “Một hệ thống đa phương cần có khả năng đưa ra tiếng nói”.

Trong bài viết về Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60, BBC cũng chung nhận định hội nghị năm nay ghi dấu bằng nỗi lo "cùng thua" toàn cầu.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho hay: “Chúng ta đang sống trong thế giới ngày càng nhiều đối đầu và ít hợp tác hơn. Thế giới đã trở thành một nơi nguy hiểm hơn nhiều".

“Cùng thua” là chủ đề của Hội nghị An ninh Munich 2024, vào thời điểm căng thẳng địa chính trị ngày càng sâu sắc và bất ổn kinh tế đang tiếp diễn. Báo cáo thường niên của hội nghị cảnh báo, bối cảnh hiện tại có thể làm nảy sinh động lực “cùng thua” giữa các chính phủ. Đây là “một vòng xoáy đi xuống gây nguy hiểm cho hợp tác và làm suy yếu trật tự quốc tế hiện hành”.

David Miliband - Giám đốc điều hành kiêm chủ tịch Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC) - nhận định: “Tôi nghĩ đây là hội nghị của một thế giới hỗn loạn. Đó là một thế giới mà việc không bị trừng phạt thịnh hành và hành lang an toàn không vận hành dẫn tới có quá nhiều hỗn loạn, không chỉ ở Ukraina, Gaza và Israel, mà còn rộng hơn ở những khu vực như Sudan, nơi cuộc khủng hoảng nhân đạo thậm chí còn không được đưa vào chương trình nghị sự".

Sự cấp bách trong việc phương Tây tiếp tục hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraina được Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nhấn mạnh nhiều lần trong các cuộc họp cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich.

“Năm 2024 đòi hỏi sự phản hồi của các bạn, từ tất cả mọi người trên thế giới" - nhà lãnh đạo Ukraina nói.

Các đại biểu Mỹ tại Munich, trong đó có Phó Tổng thống Kamala Harris, nhấn mạnh rằng, bà và Tổng thống Joe Biden sẽ không từ bỏ Ukraina cũng như khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu.

Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm lớn thực sự từ cộng đồng quốc tế và các nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại Munich muốn thấy một lệnh ngừng bắn nghiêm túc và một lượng viện trợ quốc tế đáng kể cho Gaza". Trong khi đó, các đại biểu của Israel, bao gồm cả Tzipi Livni - cựu nhà đàm phán hòa bình - nhấn mạnh tiếp tục thúc đẩy giao tranh. Hội nghị An ninh Munich năm nay có hơn 900 đại biểu, bao gồm khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ khắp thế giới, hơn 100 bộ trưởng, cũng như đại diện của các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn