MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân ở Nhật Bản đeo khẩu trang khi ra đường trong dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Nỗi lo về khả năng dễ mắc COVID-19 của bệnh nhân ung thư ở Nhật Bản

HỒNG HẠNH LDO | 11/05/2020 18:59
Những  bệnh nhân ung thư ở Nhật Bản đang trong những ngày đầy lo âu vì họ là đối tượng rất dễ có khả năng mắc COVID-19.

Sự ra đi của nữ diễn viên Kumiko Okae, 63 tuổi, vì bệnh ung thư vú vào tháng trước đã làm dấy lên sự lo lắng khi nhận được thông báo rằng các triệu chứng của bệnh COVID-19 có thể đã trở nên nghiêm trọng do xạ trị ung thư, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.

Một phụ nữ 50 tuổi - đã trải qua phẫu thuật để điều trị ung thư đường tiêu hóa vào tháng 3 - cũng nhận được lời giải thích từ phía bệnh viện rằng hệ thống miễn dịch của bà có khả năng bị suy yếu do tác dụng phụ của thuốc. Do đó, bà tin nếu mắc COVID-19 hoặc ngay cả khi chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ của bệnh viêm phổi, bà phải tạm dừng điều trị ung thư.

“Tôi vốn đã bận tâm với bệnh ung thư của mình và hiện còn phải lo lắng thêm cả COVID-19. Tôi thực sự cảm thấy căng thẳng” - Japan Times dẫn lời bà.

Ngoài ra, một phát thanh viên truyền hình, ông Shinsuke Kasai, 57 tuổi, mắc bệnh ung thư hạch ác tính cũng bày tỏ sự lo lắng của mình.

“Cuộc chiến với COVID-19 của tôi sẽ bắt đầu khi tôi xuất viện. Tôi sẽ bước vào một thế giới “tràn ngập” virus…, sẽ tự cách ly và làm mọi thứ một mình”, ông chia sẻ trên blog cá nhân vào ngày 25.4.

Sau cái chết của diễn viên Okae, các bác sĩ bắt đầu nhận được nhiều câu hỏi về rủi ro nhiễm SARS-CoV-2 từ những bệnh nhân ung thư, trong đó có một số người bày tỏ ý kiến muốn tạm dừng xạ trị.

Hiệp hội Ung thư Y khoa Nhật Bản đã đăng nghiên cứu trên trang web của mình cho biết, bệnh nhân có nguy cơ mắc COVID-19 cao trong một tháng hoặc lâu hơn sau khi trải qua phẫu thuật hoặc được điều trị bằng thuốc chống ung thư.

Ngoài ra, một Hiệp hội Ung thư khác của Nhật Bản cho biết thêm, xạ trị sau phẫu thuật ung thư vú giai đoạn đầu thì khả năng suy yếu hệ thống miễn dịch là rất thấp.

Bà Akemi Kataoka, bác sĩ chuyên về ung thư vú tại Bệnh viện Viện Ung thư ở Tokyo chia sẻ, có nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau, bao gồm điều trị, tuổi tác và tiền sử hút thuốc.

Bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân nên giữ bình tĩnh và tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn nếu họ lo lắng về việc điều trị và ảnh hưởng của nó đến hệ thống miễn dịch. Hơn nữa, bà khuyến cáo công chúng nên nhận thức được những rủi ro mắc COVID-19 cao hơn của những bệnh nhân ung thư và tránh những cuộc tụ tập không cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn